Một trong những phương pháp chữa bệnh theo Y học cổ truyền là bấm huyệt và châm cứu. Xác định đúng vị trí các huyệt đạo, công dụng và cách bấm huyệt là điều quan trọng, nâng cao khả năng điều trị bệnh tật.
Giải thích khái niệm huyệt là gì?
Theo giáo trình lý luận Y học cổ truyền cơ bản, Huyệt là là chỗ quy tụ thần khí của tạng phủ, kinh lạc, cân cơ xương khớp. Nó nằm cố định ở một vị trí và phân bố lan tỏa các bộ phận trong cơ thể người. Theo quan niệm của Đông Y, huyệt có mối quan hệ mật thiết với kinh lạc và tạng phủ, có thể nằm hoặc không nằm trên kinh mạch. Mỗi vị trí có một tên gọi khác nhau.
Huyệt cũng được coi là nơi xâm lấn của nhiều tác nhân gây bệnh nếu hệ miễn dịch giảm thì dễ bị tà khí vào huyệt rồi vào trong cơ thể. Đây là điểm nhạy cảm nhất so với những chỗ khác, nó tiếp nhận và xử lý nhiều kích thích khác nhau. Y sĩ dựa vào đó để tác động lên một lượng kích thích phù hợp nhằm cân bằng những rối loạn bên trong do bệnh lý gây ra, trả lại trạng thái hoạt động bình thường cho cơ thể.
Thủ thuật bấm huyệt và châm cứu
Theo các tài liệu Đông Y chọn lọc bấm huyệt và châm cứu là phương pháp được ứng dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền, kể cả Y học hiện đại cũng kết hợp với cách này để gia tăng hiệu quả của việc chữa trị nhiều căn bệnh nan Y.
Châm cứu: Châm là dùng que nhọn, kim để đâm vào, kích thích huyệt để thông kinh lạc, trừ tà, cải thiện sức đề kháng. Cứu là dùng nhiệt để tác động lên huyệt để hồi phục những tổn thương, đề phòng và điều trị bệnh. Châm cứu được ứng dụng để chữa các bệnh cấp, mãn tính liên quan đến cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch, tuần hoàn máu, sinh dục, tiết niệu. Có nhiều phương pháp nhỏ hơn như thủy châm, điện giải, cứu ngải,...
Bấm huyệt: tác động lực phù hợp lên huyệt và kinh lạc bằng tay nhằm đuổi tà, thông kinh lạc, điều hòa các chức năng của tạng phủ. Nó tác động đến da thịt, mạch máu, hệ thần kinh, cơ quan thụ cảm một cách trực tiếp từ đó giúp điều hòa các chức năng của các cơ quan này, nâng cao khả năng hoạt động của chúng, góp phần điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe toàn diện. Riêng với bệnh xương khớp, bấm huyệt sẽ giúp giảm đau, giãn xương khớp,...
Vị trí và công dụng của các huyệt đạo ở từng bộ phận trên cơ thể người
Ở mỗi bài giảng Y học cổ truyền, hầu hết các giảng viên đều nhấn mạnh muốn châm cứu và bấm huyệt tốt, trước hết cần nắm rõ vị trí và tác dụng của các huyệt. Sau đây là tất cả các huyệt trên cơ thể người thường được dùng ứng dụng để điều trị bệnh, được liệt kê theo tứ tự tên huyệt/ vị trí/ tác dụng.
20 huyệt ở đầu mặt cổ
Dương bạch (Kinh Đởm): nằm ở trên cơ trán tính từ điểm giữa cung lông màu đi lên; có tác dụng chữa nhức đầu, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, viêm màng tiếp hợp, viêm tuyến lệ, lẹo, chắp.
Ấn đường (Ngoài kinh): huyệt nằm ở giữa đầu của 2 cung lông mày; chữa sốt cao, nhức đầu, chảy máu cam, xoang trán.
Tình minh (Bàng quang kinh):Chỗ lõm cạnh góc trong mi mắt trên 2mm; Chữa chắp, viêm tuyến lệ, liệt VII ngoại biên, viêm màng tiếp hợp.
Toán trúc(Bàng quang kinh): Chỗ lõm đầu trong cung lông mày; chữa các bệnh về mắt, đau nhức đầu, liệt VII ngoại biên.
Ty trúc không (Tam tiêu kinh):Chỗ lõm đầu ngoài cung lông mày; chữa bệnh về mắt, đầu, liệt VII ngoại biên.
Ngư yêu (Ngoài kinh): Ở điểm giữa cung lông mày; Liệt VII ngoại biên, các bệnh về mắt.
Thái dương (Ngoài kinh): Cuối lông mày hay đuôi mắt đo ra sau một thốn, huyệt ở chỗ lõm trên xương thái dương; chữa nhức đầu, đau răng, viêm màng tiếp hợp
Nghinh hương (Đại trường kinh): Từ chân cách mũi đo ra ngoài 4mm (hoặc kẻ một đường thẳng ngang qua chân cánh mũi, gặp rãnh mũi má là huyệt); Viêm mũi dị ứng, ngạt mũi, chảy máu cam, liệt VII ngoại biên.
Nhân trung (Mạch Đốc) Ở giao điểm 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung; chữa ngất, choáng, sốt cao co giật liệt dây VII.
Hạ quan(Kinh Vị): nằm ở phần lõm, điểm chính giữa của khớp thái dương hàm, ngang phần nắp tai; chữa điếc tai, ù tai, liệt dây VII ngoại biên, viêm khớp thái dương hàm.
Giáp xa(Kinh Vị):Từ góc xương hàm dưới đo vào 1 thốn, từ Địa thương đo ra sau 2 thốn về phía góc hàm, huyệt ở chỗ lồi cao cơ cắn; chữa đau răng, liệt dây VII, cấm khẩu, đau dây thần kinh V.
Thừa khấp (Kinh Vị): nằm ở hõm dưới ổ mắt (giữa mi mắt dưới đo xuống khoảng 7/10 thốn); chữa viêm màng tiếp hợp, chắp, lẹo, liệt dây VII ngoại biên.
Liêm tuyền(Mạch Nhâm): Nằm ở chỗ lõm bờ trên sụn giáp; chữa nói khó, nói ngọng, nuốt khó, câm, mất tiếng.
Ế phong(Tam tiêu kinh): ở chỗ lõm giữa xương hàm dưới và xương chũm, (ấn dái tai xuống tới đâu là huyệt tại đó); chữa liệt dây VII, ù tai, điếc tai, viêm tuyến mang tai, rối loạn tiền đình.
Bách hội(Đốc mạch): Huyệt ở giữa đỉnh đầu, nơi gặp nhau của hai đường kéo từ đỉnh 2 loa tai với mạch đốc; chữa Sa trực tràng, nhức đầu, cảm cúm, trĩ, sa sinh dục.
Tứ thần thông(Ngoài kinh): Gồm có 4 huyệt cách Bách hội 1 thốn theo chiều trước sau và hai bên; Chữa đau đầu vùng đỉnh, cảm cúm, các chứng sa.
Đầu duy(Kinh Vị): Ở góc trán trên, giữa khe khớp xương trán và xương đỉnh; Chữa đau dây V, ù tai, điếc tai, liệt dây VII, đau răng.
Quyền liêu(Tiểu trường kinh):Thẳng dưới khoé mắt ngoài, chỗ lõm bờ dưới xương gò má; Chữa đau dây V, đau răng, liệt dây VII.
Phong trì(Kinh Đởm): Từ giữa xương chẩm và cổ I đo ngang ra 2 thốn, huyệt ở chỗ lõm phía ngoài cơ thẳng, phía sau cơ ức đòn chũm; chữa đau vai gáy, tăng huyết áp, bệnh về mắt, cảm mạo, nhức đầu.
20 huyệt vùng chân
Hoàn khiêu (Đởm kinh): Nằm nghiêng co chân trên, duỗi chân dưới, huyệt ở chỗ lõm đằng sau ngoài mấu chuyển lớn xương đùi trên cơ mông to/ Đau khớp háng, đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới.
Trật biên (Bàng quang kinh): Từ huyệt Trường cường đo lên 2 thốn, đo ngang ra 3 thốn/ Đau khớp háng, đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới.
Bế quan (Thận kinh): Là điểm gặp của đường ngang qua khớp mu và đường dọc qua gai chậu trước trên/ Đau khớp háng, liệt chi dưới
Thừa phù (Bàng quang kinh): Ở mặt sau đùi, giữa nếp lằn mông/ Đau thần kinh tọa, đau lưng, liệt chi dưới.
Huyết hải (Kinh Tỳ): Từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên một thốn, đo vào trong hai thốn/ Đau khớp gối, đau dây thần kinh đùi, rối loạn kinh nguyệt, dị ứng, xung huyết.
Lương khâu (Kinh vị): Từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên 2 thốn, đo ra ngoài một thốn/ Đau khớp gối, đau dây thần kinh đùi, đau dạ dày, viêm tuyến vú.
Độc ty (Kinh vị): Chỗ lõm bờ dưới ngoài xương bánh chè/ Đau khớp gối.
Tất nhãn (Ngoài kinh): Chỗ lõm bờ dưới trong xương bánh chè/ Đau khớp gối
Uỷ trùng (Bàng quang kinh): Điểm giữa nếp lằn trám khoeo/ Đau lưng (từ thắt lưng trở xuống) đau khớp gối, sốt cao, đau dây thần kinh tọa.
Túc tam lý (Vị kinh): Từ độc tỵ đo xuống 3 thốn, huyệt cách mào chày một khoát ngón tay/ Đau khớp gối, đau thần kinh toạ, kích thích tiêu hoá, đau dạ dày, đầy bụng, chậm tiêu, là huyệt cường tráng cơ thể khi cứu, xoa bóp.
Dương lăng tuyền (Đởm kinh): Chỗ lõm giữa đầu trên xương chày và xương mác. Đau khớp gối, đau thần kinh tọa, nhức nửa bên đầu, đau vai gáy, đau thần kinh liên sườn, co giật.
Tam âm giao (Kinh Tỳ): Từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn, huyệt ở cách bờ sau trong xương chày 1 khoát ngón tay/ Rong kinh, rong huyết, dọa sảy, bí đái, đái dầm, di tinh, mất ngủ.
Huyền chung (Kinh đởm): Từ lồi cao mắt cá ngoài xương chày đo lên 3 thốn, huyệt nằm ở phía trước của xương mác/ Điều trị đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới, đau khớp cổ chân, đau vai gáy.
Thừa sơn (Bàng quang kinh): Ở giữa cẳng chân sau, trên cơ dép, nơi hợp lại của hai ngành cơ sinh đôi trong và sinh đôi ngoài/ Đau thần kinh tọa, chuột rút, táo bón.
Thái khê (Kinh Thận): Cách ngang sau mắt cá trong xương chày nửa thốn. Rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, ù tai, hen phế quản, đau khớp cổ chân, bí đái.
Côn lôn (Bàng quang kinh): Cách ngang sau mắt cá ngoài xương chày nửa thốn/ Đau lưng, đau khớp cổ chân, cảm mạo, nhức đầu sau gáy.
Thái xung (Kinh Can): Từ kẽ ngón chân I – II đo lên 2 thốn về phía mu chân/ Nhức đầu vùng đỉnh, tăng huyết áp, viêm màng tiếp hợp, thống kinh
Giải khê (Kinh Vị): Huyệt ở chính giữa nếp gấp cổ chân, chỗ lõm giữa gân cơ duỗi dài ngón cái và gân cơ duỗi chung ngón chân/ Đau khớp cổ chân, đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới.
Nội đình (Kinh vị): Từ kẽ ngón chân II – III đo lên 1/2 thốn về phía mu chân/ Đau răng hàm dưới, liệt VII ngoại biên, sốt cao, đầy bụng, chảy máu cam
Bát phong (Ngoài kinh): 8 huyệt ngay kẽ các đốt ngón chân của 2 bàn chân. Viêm các đốt bàn ngón chân, cước.
13 huyệt vùng tay
Kiên ngung (Đại trường kinh): Chỗ lõm dưới mỏm cùng vai đòn, nơi bắt đầu của cơ Delta/ Chữa đau khớp vai, bả vai, đau đám rối thần kinh cánh tay, liệt dây mũ.
Khúc trì (Đại trường kinh): Gấp khuỷu tay 450, huyệt ở tận cùng phía ngoài nếp gấp khuỷu/ Chữa đau dây thần kinh quay, đau khớp khuỷu, liệt chi trên, sốt, viêm họng.
Xích trạch (Phế kinh): Trên rãnh nhị đầu ngoài, bên ngoài gân cơ nhị đầu, bên trong cơ ngửa dài, huyệt trên đường ngang nếp khuỷu/ Chữa ho, sốt, viêm họng, cơn hen phế quản, sốt cao co giật ở trẻ em.
Khúc trạch (Tâm bào lạc kinh): Trên rãnh nhị đầu trong, bên trong gân cơ nhị đầu, trên đường ngang nếp khuỷu/ Chữa sốt cao, đau dây thần kinh giữa, đau khớp khuỷu, say sóng, nôn mửa.
Nội quan (Tâm bào lạc kinh): Từ lằn chỉ cổ tay đo lên 2 thốn, huyệt ở giữa gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé/ Chữa đau khớp cổ tay, đau dây thần kinh giữa, rối loạn thần kinh tim, mất ngủ, đau dạ dày.
Thái uyên (Phế kinh): Trên lằn chỉ cổ tay, bên ngoài gân cơ gan tay lớn, huyệt ở phía ngoài mạch quay/ Chữa ho, ho ra máu, hen, viêm phế quản, viêm họng, đau dây thần kinh liên sườn.
Thống lý (Tâm kinh): Từ lằn chỉ cổ tay đo lên 1 thốn, huyệt nằm trên đường nối từ huyệt Thiếu hải đến huyệt Thần môn/ Chữa rối loạn thần kinh tim, tăng huyết áp, mất ngủ, đau thần kinh trụ, đau khớp cổ tay, câm.
Thần môn (Tâm kinh): Trên lằn chỉ cổ tay, huyệt ở chỗ lõm giữa xương đậu và đầu dưới xương trụ, phía ngoài chỗ bám gân cơ trụ trước/ Chữa đau khớp khuỷu, cổ tay, nhức nửa đầu, đau vai gáy, cảm mạo, sốt cao.
Ngoại quan (Tam tiêu kinh): Huyệt ở khu cẳng tay sau, từ Dương trì đo lên 2 thốn, gần đối xứng huyệt nội quan/ Chữa đau khớp khuỷu, cổ tay, nhức nửa đầu, đau vai gáy, cảm mạo, sốt cao
Dương trì (Tam tiêu kinh): Trên nếp lằn cổ tay, bên ngoài gân cơ duỗi chung/ Chữa đau khớp cổ tay, nhức nửa đầu, ù tai, điếc tai, cảm mạo.
Hợp cốc (Đại trường kinh): Đặt đốt II ngón cái bên kia, lên hồ khẩu bàn tay bên này, nơi tận cùng đầu ngón tay là huyệt, hơi nghiêng về phía ngón tay trỏ/ Chữa nhức đầu, ù tai, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, sốt cao, cảm mạo, đau răng (hàm trên), ho.
Bát tà (Ngoài kinh): Chỗ tận cùng các nếp gấp của 2 ngón tay phía mu tay (mỗi bàn có 4 huyệt, 2 bên có 8 huyệt)/ Chữa viêm khớp bàn tay, cước.
Thập tuyên (Ngoài kinh)/ Huyệt ở 10 đầu ngón tay, điểm giữa cách bờ tự do móng tay 2mm về phía gan bàn tay/Chữa sốt cao, co giật.
12 huyệt ở vùng lưng và ngực
Chiên trung (Mạch Nhâm): Ở trên xương ức điểm giữa đường ngang liên sườn IV/ Viêm tuyến vú, đau thần kinh liên sườn, nôn, nấc, hạ huyết áp.
Trung phủ(Kinh Phế):Ở khoang liên sườn II trên rãnh Delta ngực/Viêm phế quản, ho, hen, đau vai gáy, viêm tuyến vú.
Cự cốt(Tam tiêu kinh):Ở đỉnh góc nhọn được tạo thành bởi xương đòn và sống gai xương bả vai, phía trên mỏm vai/ Điều trị đau vai gáy, liệt chi trên, đau khớp vai.
Đại truỳ(Đốc mạch): Ở giữa CVII và DI/ Sốt cao co giật, sốt rét, khó thở.
Kiên tỉnh(Kinh Đởm): Huyệt ở trên cơ thang giữa đường nối huyệt đại trùy đến huyệt kiên ngung/ Đau vai gáy, suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm tuyến vú.
Thiên tông (Kinh Tiểu trường): Chính giữa xương bả vai/ Vai và lưng trên đau nhức.
Đại trữ(Kinh Bàng quang): Chính giữa DI và DII đo ngang ra 1,5 thốn. Cảm mạo, ho, hen, đau lưng, đau vai gáy.
Phong môn(Kinh Bàng quang): Từ giữa DI và DIII đo ngang ra 1,5 thốn. Ho, hen, cảm cúm, đau vai gáy
Phế du(Kinh Bàng quang): Từ giữa DIV và DIV đo ngang ra 1,5 thốn. Ho hen, khó thở, viêm tuyến vú, chắp, lẹo.
Tâm du(Kinh Bàng quang): Từ giữa DV và DVI đo ngang ra 1,5 thốn. Ho, mất ngủ, mộng tinh, rối loạn thần kinh tim.
Đốc du(Kinh Bàng quang): Từ giữa DVI – DVI đo ngang ra 1,5 thốn. Chữa đau vai gáy, đau dây thần kinh liên sườn VI, VII, rối loạn thần kinh tim.
Cách du(Kinh Bàng quang): Ở giữa DVI và DVI đo ngang ra 1,5 thốn/ Nôn, nấc, thiếu máu, cơn đau thắt ngực.
6 huyệt vùng thượng vị – lưng
Trung quản(Mạch Nhâm): Từ rốn đo lên 4 thốn, huyệt nằm trên đường trắng giữa trên rốn/ Đau vùng thượng vị, nôn, nấc, táo bón, cơn đau dạ dày.
Thiên khu(Kinh Vị): Từ rốn đo ngang ra 2 thốn/ Rối loạn tiêu hoá, cơn đau dạ dày, sa dạ dày, nôn mửa, cơn đau do co thắt đại tràng.
Can du(Bàng quang kinh): Từ giữa DIX – DX đo ngang ra 1,5 thốn/ Đầy bụng, nhức đầu – Viêm màng tiếp hợp, đau dạ dày.
Đởm du(Kinh Bàng quang): Từ giữa DX – DXI đo ngang ra 1,5 thốn/ Đầy bụng, nhức đầu, giun chui ống mật, tăng huyết áp.
Tỳ du(Bàng quang kinh): Từ giữa DXI – DXII đo ngang ra 1,5 thốn/Đau dạ dày, đầy bụng, chậm tiêu, rối loạn tiêu hoá.
Vi du(Bàng quang kinh): Từ giữa DXI – LY đo ngang ra 1,5 thốn/ Đau dạ dày, đầy bụng, rối loạn tiêu hoá.
9 huyệt vùng hạ vị – thắt lưng – cùng
Quan nguyên(Mạch Nhâm): Từ rốn đo xuống 3 thốn (hoặc điểm 3/5 đường nối từ rốn đến khớp mu), trên đường trắng giữa rốn/ Hạ huyết áp, đái dầm, bí đái, viêm tinh hoàn, sa trực tràng.
Khí hải(Mạch Nhâm): Từ rốn đo xuống 1,5 thốn, trên đường trắng giữa dưới rốn/ Đái dầm, bí đái, di tinh, ngất, hạ huyết áp, suy nhược cơ thể.
Trung cực(Mạch Nhâm): Từ rốn đo xuống 4 thốn hoặc đo từ bờ trên khớp mu lên 1 thốn/ Bí đái, đái dầm, di tinh, viêm bàng quang.
Khúc cốt(Mạch Nhâm): Từ rốn đo xuống 5 thốn, huyệt ở giữa bờ trên khớp mu/ Bí đái, đái dầm, di tinh, viêm tinh hoàn.
Thận du(Bàng quang kinh): Từ giữa LII – LIII đo ngang ra 1,5 thốn/ Đau lưng, đau thần kinh tọa, đau thần kinh đùi, ù tai, điếc tai, giảm thị lực, hen phế quản.
Mệnh môn(Mạch Đốc): Giữa liên đốt LII – LIII/ Đau lưng, di tinh, đái dầm, ỉa chảy mạn
Đại trường du(Bàng quang kinh): Giữa liên đốt LIV – LV đo ngang ra 1,5 thốn/ Đau thần kinh tọa, trĩ, ỉa chảy, sa trực tràng.
Bát liêu(Bàng quang kinh): Từ Đại trường du đo xuống 2 thốn là huyệt Tiểu trường du, giữa Tiểu trường du và cột sống là huyệt Thượng liêu (tương đương với lỗ cùng thứ nhất). Tương ứng với lỗ cùng thứ 2 là huyệt Thứ liêu, lỗ cùng thứ 3 là Trung liêu, lỗ cùng thứ 4 là Hạ liêu/ Di tinh, đái dầm, đau lưng, rong kinh, rong huyết, thống kinh, doạ sảy.
Trường cường(Mạch Đốc): Ở đầu chót của xương cụt. Ỉa chảy, trĩ, sa trực tràng, đau lưng, phạm phòng.
Hy vọng qua bài viết này, sinh viên Trung cấp Y học cổ truyền sẽ tiếp nhận thêm được những kiến thức quý giá liên quan đến chuyên ngành mình đang theo đuổi. Các bạn nên tham khảo thêm các cách ghi nhớ nhanh để việc học trở nên dễ dàng, không bị nhàm chán.