Khái quát lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới và Việt Nam

 14/02/2019 10:18 |  4241 lượt xem |  Chuyên mục: Ngành Điều Dưỡng |  Ngọc Anh

Điều đưỡng hiểu nôm na là chăm sóc và nuôi dưỡng. Ngành Điều dưỡng trên thế giới được hình thành từ lâu đời, còn ở Việt Nam tuy ra đời muộn hơn nhưng cũng đều bắt đầu từ những bà mẹ, người đầu tiên chăm sóc con từ thuở lọt lòng.

Ngành Điều dưỡng là một ngành trong thống các ngành Y tế nhằm nâng cao, tối ưu sức khỏe, khả năng dự phòng xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị đáp ứng con người. Đây là một nghề nghiệp độc lập, Điều dưỡng Viên có nhiệm vụ cộng tác với các bác sĩ, Dược sĩ, Kỹ thuật Viên và các thành phần khác trong hệ thống Y tế để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

lịch sử ngành Điều Dưỡng

Tìm hiểu về lịch sử thế giới và Việt Nam về ngành Điều dưỡng

Sơ lược lịch sử ngành Ðiều dưỡng trên thế giới

Thời xa xưa, việc khám chữa bệnh chủ yếu là theo những phương thuốc dân gian hoặc cúng bái vì tin lời các thầy “mo”. Người dân coi họ như những vị thần. Đền miếu được xây dựng nên để thờ thần thánh và lâu dần trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều trị phục hồi bệnh tật. Những người làm công tác này là pháp sư và nhóm nữ giúp lễ phụ. Từ đó, mối liên hệ giữa y khoa, tôn giáo, điều dưỡng được hình thành.

Năm 60, bà Phoebe (ở Hy Lạp) được suy tôn làm nữ Điều dưỡng tại gia đầu tiên trên thế giới. Bà đã đến từng bệnh nhân để hướng dẫn, chăm sóc. Thế kỷ thứ IV, bà Fabiola (ở La Mã) đã biến nhà mình thành trung tâm chữa bệnh  do mình đứng ra tự đón những người ốm đau về nuôi dưỡng.Ở châu Âu, vào thời kì viễn chinh, các bệnh viện được thành lập để điều trị dưỡng sức nhiều người hành hương bị đau ốm.

Ðến thế kỷ thứ 16, từ khi chế độ nhà tù ở Anh và châu Âu bị bãi bỏ giải phóng các tù nhân. Thêm nữa, các tổ chức tôn giáo bị giải tán dẫn đến sự thiếu hụt người chăm sóc bệnh nhân. Lúc này, những nữ tù nhân được hết án, được tuyển dụng Điều dưỡng còn những người phụ nữ khác chỉ chăm sóc gia đình mình thôi. Bối cảnh này tạo ra những quan niệm và thái độ xấu của xã hội đối với điều dưỡng.

điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân

Xuất phát từ công việc chăm sóc, ngành Điều dưỡng trên thế giới ra đời

Giữa thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ thứ 19, quan niệm của xã hội thay đổi, vai trò của người phụ nữ trong xã hội được nâng lên một tầm cao mới. Trong thời kỳ này, một phụ nữ người Anh – bà Florence Nightingale (1820-1910) đã được thế giới tôn kính và suy tôn là người sáng lập ra ngành điều dưỡng. Xuất thân từ nhà giàu có, học nhiều biết rộng lại có trái tim nhân hậu nên ngay từ nhỏ bà đã thể hiện thiên tính và ước mơ giúp đỡ những người khốn khổ. Bằng ý chí và quyết tâm son sắt, bà đã vượt qua sự phản kháng của gia đình để vào học và làm tại bệnh viện Kaiserweth (Ðức) năm 1847. Sau đó sang Pháp học nâng cao. Khi chiến tranh xảy ra ở Pháp, bà cùng 38 phụ nữ khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các thương binh, bệnh binh trong quân đội. Tại đây bà đã đưa ra lý thuyết về khoa học vệ sinh trong các cơ sở y tế và sau 2 năm bà đã làm giảm tỷ lệ chết do nhiễm khuẩn từ 42 xuống còn 2%. Bà cống hiến hy sinh thầm lặng, đêm đêm cầm đèn dầu đi tua chăm sóc cho từng người. Chiến trang kết thúc, bà trở về nước anh nhưng căn thẳng lúc ở mặt trận đã làm bà không còn khả năng làm việc. Bà được dân chúng và những người lính Anh tặng món quà 50.000 bảng Anh để chăm sóc sức khỏe.

Vì sức khỏe xuống cấp trầm trọng, khó có thể tiếp tục công việc, Florence đã lập ra hội đồng quản lý ngân sách 50.000 bảng Anh để thành lập trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới ở nước Anh vào năm 1860. Trường điều dưỡng Nightingale cùng với chương trình đào tạo Điều dưỡng một năm đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng không chỉ ở Anh mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Hội đồng Điều dưỡng thế giới đã quyết định lấy ngày 12/5 hàng năm làm ngày Điều dưỡng quốc tế.

Hiện nay ngành điều dưỡng của thế giới đã được xếp là một ngành độc lập, có sức ảnh hưởng tương đương với các ngành khác, được giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng Điều dưỡng, Trung cấp. Nhiều cán bộ điều dưỡng đã có bằng tiến sĩ, thạc sĩ.... vơi nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Tóm lược nét chính về ngành Điều dưỡng Việt Nam

Cũng như ở nước ngoài, ngành Điều dưỡng Việt Nam ra đời xuất phát từ việc chăm sóc gia đình của các bà mẹ. Đó là những mẹo vặt nhà bếp, dân gian trong việc điều trị các bệnh thường gặp. Lịch sử ngành Y nước ta có ghi rõ phương pháp dưỡng sinh, đã được áp dụng trong việc điều trị và chăm sóc người bệnh. Người thực hiện thành công phương pháp này là danh Y Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh và Tuệ Tĩnh.

Dưới thời kỳ Pháp thuộc, những người muốn làm việc tại bệnh viện sẽ cầm tay chỉ việc giúp họ thành thạo kỹ thuật, có thể phụ việc bác sĩ. Những lớp học đầu tiên ra đời, ngạch nhân viên Điều dưỡng được thành lập. Ngành Điều dưỡng Việt Nam phát triển dần về số lượng lớp học, nhân viên nhưng dưới sự đô hộ của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến, thiếu tôn trọng người bản xứ khiến nhiều cán bộ làm việc trong ngành này không thể cam chịu. Một số bỏ nghề, số hiếm hoi kiên quyết đấu tranh đến cùng với chính quyền thực dân Pháp yêu cầu đối xử công bằng với y tá bản xứ, chấp thuận cho y tá được thi chuyển ngạch trung đẳng, nhưng không được tăng lương mà chỉ được hưởng phụ cấp đắt đỏ.

Cách mạng tháng 8 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập tự do. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai vào năm 1946. Ngành điều Dưỡng còn non trẻ lại tiếp tục bước vào nhiệm vụ chính trị quan trọng. Sứ mệnh của những người làm Điều dưỡng lúc này không chỉ cứu chữa bệnh nhân mà còn phục vụ quân đội, tổng hợp sức mạnh đánh bại kẻ thù. Hành quân cùng người lính gian khổ, ta có ít máy móc y tế, thuốc men cũng rất hạn chế, nên việc điều trị cho bệnh nhân chủ yếu dựa vào chăm sóc và chính nhờ điều dưỡng mà nhiều thương binh bị chấn thương, cắt cụt chi, vết thương chiến tranh, sốt rét ác tính... đã qua khỏi. Tuy khó khăn nhưng lúc này nghề Điều dưỡng được sự quan tâm chỉ đạo của nhà nước, được coi trọng đặc biệt.

Lịch sử ngành Điều dưỡng ở Việt Nam

Điều dưỡng Việt Nam ra đời cùng với sự phát triển của đất nước

Sau hiệp định Giơ – ne – vơ được kí kết vào năm 1954 chấm dứt chiến tranh Việt – Pháp, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ khốc liệt hơn. Sau đó 2 năm, ở miền Nam có trường đào tạo Điều dưỡng riêng với thời gian học 3 năm. Nữ giám học đầu tiên là Cô Lâm Thị Hạ. Năm 1963, cô đề xuất mở lớp đào tạo điều dưỡng đại học nhưng không được chấp thuận. Năm 1968 do thiếu điều dưỡng trầm trọng nên đã mở thêm ngạch điều dưỡng sơ học 12 tháng chính quy tại các trường điều dưỡng. Từ những năm 60 đã có điều dưỡng viên tại Bộ Y tế và năm 1970, hội Ðiều dưỡng Việt Nam được thành lập, xuất bản nội san hàng tháng. Năm 1973 mở lớp điều dưỡng y tế công cộng 3 năm, tại Viện quốc gia Y tế công cộng.

Còn ở miền Bắc, với nhiệm vụ làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình đào tạo y tế sơ cấp hoàn chỉnh để bổ túc cho số y tá học cấp tốc trong chiến tranh. Năm 1968, Bộ Y tế xây dựng tiếp chương trình đào tạo y tá trung cấp, lấy học sinh tốt nghiệp lớp 7 phổ thông cơ sở đào tạo y tá 2 năm 6 tháng. Khóa đầu tiên mở lớp y tá cạnh bệnh viện Bạch Mai và sau đó đưa vào các trường trung học trực thuộc bộ. Song song với mở trường lớp là gửi cán bộ giảng viên tập huấn ở những nước như Liên Xô, Ba Lan, Cộng Hòa Dân Chủ Đức,... Ngày 21 tháng 11 NĂM 1963, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định về chức vụ y tá trưởng ở các cơ sở điều trị: bệnh viện, viện điều dưỡng, trại phong, bệnh xá từ 30 giường bệnh trở lên. Từ năm 1975, chương trình hoàn thiện hơn, tuyển sinh Điều dưỡng khắt khe hơn, tiêu chuẩn tuyển chọn vào y tá trung học cần trình độ văn hóa cao hơn, học sinh được tuyển chọn bắt buộc phải tốt nghiệp trung học phổ thông hay bổ túc văn hóa. Ngày 27 tháng 11 năm 1979, Bộ Y tế ra công văn số 4839 về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với y tá trưởng khoa và bệnh viện.

Năm 1975, kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi vẻ vang, thống nhất nước nhà, thống nhất công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân ở cả 2 miền. Từ đó, nghề điều dưỡng bắt đầu có tiếng nói chung giữa hai miền Nam-Bắc. Năm 1982 Bộ Y tế ban hành chức danh y tá trưởng bệnh viện và y tá trưởng khoa. Năm 1985, một số bệnh viện đã xây dựng phòng điều dưỡng, tổ điều dưỡng tách ra khỏi phòng y vụ. Ngày 14 tháng 7 năm 1990, BỘ Y tế ban hành quyết định số 570/BYT-QÐ thành lập phòng điều dưỡng trong các bệnh viện có trên 150 giường bệnh; ra quyết định 356/BYT-QÐ thành lập phòng y tá của Bộ đặt trong Vụ quản lý sức khỏe (Vụ điều trị) vào ngày 14 tháng 3 năm 1992 và nhiều quyết định về chế độ trách nhiệm của Y tá.

nhân viên ngành Điều dưỡng

sự phát triển về ngành Điều dưỡng dẫn đến sự ra đời của các ngành đào tạo liên quan ở bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp

Về đào tạo, năm 1985, các trường đào tạo Điều dưỡng đầu tiên tại trường Ðại học y khoa Hà NỘI, Y Dược TPHCM – đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng trong lĩnh vực đào tạo Điều dưỡng ở nước ta, được Tổ chức Y tế thế giới ngợi ca. Bởi lẽ từ đây Bộ Y tế Việt Nam đã xác định được hướng đi qua ngành Điều dưỡng, coi đây là ngành nghề riêng, chứ không suy nghĩ như trước đây cho y tá giỏi học chuyên tu thành bác sĩ. Năm 1994 Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế lại tiếp tục cho phép đào tạo cử nhân điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học khóa III tại Trường Trung học kỹ thuật y tế trung ương III và Trường cao đẳng y tế Nam Ðịnh và dự kiến đào tạo cử nhân điều dưỡng chính quy từ 1995 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng về đào tạo điều dưỡng trưởng,  nhiều lớp đào tạo điều dưỡng trưởng đã được tổ chức tại các Trường trung học kỹ thuật y tế Trung ương I, II, III, THYT Bạch Mai, THYT Hà Nội, Cao đẳng y tế Nam Ðịnh liên tục từ năm 1982 đến nay, khoảng 50% điều dưỡng trưởng khoa, Ðiều dưỡng trưởng bệnh viện đã được đào tạo qua các lớp quản lý điều dưỡng trưởng.

Ngành Điều dưỡng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời kì đổi mới, sau năm 1986. Đất nước mở cửa, hội nhập toàn cầu trên mọi lĩnh vực trong đó có Y học, cách riêng là ngành Điều dưỡng. Nhiều tổ chức Y tế, chuyên gia điều dưỡng nước ngoài đầu tư, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực điều dưỡng. Một số tổ chức, chuyên gia có thể kể đến như: SIDA Thụy Ðiển, CARE lnternational, Hiệp hội điều dưỡng Quốc tế Nhật Bản ,Tổ chức hợp tác khoa học Mỹ- Việt, Eva Giohanson, Lola Carlson, Ann Mari Nilsson, Marian Advison, Emma Sunberg,… Chính họ đã giúp chúng ta hiểu rõ nghề nghiệp và phấn đấu cho sự nghiệp điều dưỡng Việt Nam phát triển. Các khóa học Cao đẳng Điều dưỡng tại các trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội, Cao đẳng Y Dược TPHCM liên tục tuyển sinh để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới.

Trên đây là những nét khái quát nhất về lịch sử Điều dưỡng thế giới và Việt Nam. Qua đó cho thấy lịch sử Việt Nam phát triển không thể tách rời lịch sử phát triển của đất nước. Nhiệm vụ chữa bệnh gắn liền với nhiệm vụ chính trị trọng đại góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Điều dưỡng Viên tương lai cần giữ gìn và phát huy tinh thần dân tộc, phát huy sứ mệnh cao cả của mình. Không ngừng rèn luyện, phấn đấu để tiến bộ, phát triển.

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.