Nhắc đến tên tuổi của những bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, không ai không biết đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – vị anh hùng tài ba lỗi lạc của nhân tộc, quên thân vì nhân dân. Người cũng là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước ta, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ.
>>> Bóng cười: Tưởng không hại mà hại không tưởng
>>> Người già uống bao nhiêu nước mỗi ngày là đủ
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được nhân dân tín nhiệm
Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5 tại Quy Nhơn trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước. Ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã bộc lộ rõ một cậu học sinh thông minh, chăm chỉ, đứng đầu lớp, đỗ thủ khoa các kỳ thi và có niềm đam mê mãnh liệt với ngành Y. Ngay từ năm thứ tư trên giảng đường Đại học Y Hà Nội, Phạm Ngọc Thạch đã sang Pháp và tốt nghiệp ngành bác sĩ Y khoa vào năm 1934. Do thành tích vượt trội cùng đạo đức tốt, bác được cử lại làm trợ lý tại trường đại học Y khoa Paris, chuyên ngành bệnh lao, phổi và là trợ lý tại BV Laennec. Sau 2 năm, ông trở về nước làm việc và kết hôn với bà Marie Louise, một Y tá người pháp rồi tiếp tục cống hiến cho nền Y học nước nhà.
Liền sau đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mở phòng khám tư nhân tại Sài Gòn và thu hút đông đảo bệnh nhân ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ông nhận thấy đa số những bệnh nhân lao phổi đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ông dành tình yêu và sự quan tâm đặc biệt tới họ. Đã bao lần ông tự lái xe đến tận nơi gõ cửa từng nhà để giúp những bệnh nhân nghèo qua cơn nguy kịch. Nhờ tài năng và tấm lòng độ lượng, chẳng bao lâu danh tiếng của ông trở nên lững lẫy khắp Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Nhiều người nhận xét vị bác sĩ hành nghề vì Y đạo chứ không phải vì Y nghiệp nhưng chính cái đức lớn của ông sẽ làm nên nghiệp lớn. Họ tuyên xưng ông là người thầy thuốc của nhân dân, có sự đồng cảm với những người khốn khổ.
Qua nhiều năm “sống” với bệnh nhân nghèo, ông nhận ra rằng sự tận tâm của mình chưa đủ mang lại hạnh phúc khi con người vẫn chịu sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến cầm quyền. Chỉ có độc lập tự do mới mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cũng từ đây, lý tưởng cách mạng đã soi đường chỉ lối cho vị bác sĩ tài ba.
Từ bỏ những vinh hoa lợi lộc, Phạm Ngọc Thạch tìm cách tham gia vào phong trào Cách Mạng do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Phòng khám tư của ông không đơn thuần để chữa bệnh mà là nơi che dấu, nuôi dưỡng chiến sĩ ta. Vừa khám cho các chú bộ đội vừa tìm hiểu về chương trình, đường lối của cách mạng, từ đó hiểu và tự nguyện dẫn thân vào con đường đầy gian khổ, thử thách. Ông bắt đầu kết nạp đảng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu biểu như Thứ trưởng chủ tịch vào năm 1946, Phái viên của Chính phủ sang châu Âu và các nước láng giềng để trình bày, thuyết phục quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc kháng chiến chống thực dân; Trưởng ban Y tế, Bộ trưởng, Bí thư Đảng,…Cũng từ đây, ông thường xuyên phải vào Nam ra Bắc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đi đến thành công.
Qua nhiều năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông càng có ý thức sâu sắc về hậu quả của cuộc kháng chiến đối với sức khỏe của nhân dân, bệnh tật hoành hành, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch, bệnh xã hội, nạn vô sinh, tuổi thọ trung bình giảm. Điều này luôn là nỗi ám ảnh day dứt thường trực trong lòng ông và thôi thúc Người tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các nước, công tác bảo vệ sức khỏe của từng địa phương, vùng miền khác nhau để đúc kết ra những phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của ngành Y tế mà giá trị cuả nó vẫn vẹn nguyên cho đến hiện nay và trở thành kim chỉ nam cho hành động của các cán bộ Y tế nước ta.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khám chữa bệnh cho Bác Hồ
Ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách như “Quán triệt phương châm phòng bệnh trong công tác bảo vệ sức khoẻ", “Nhiệm vụ của Y tế trong chiến tranh”,… nêu lên những vấn đề về xã hội, cách phòng bệnh và những bài học kinh nghiệm để làm phong phú thêm lý luận cũng như thực tiễn về y học dự phòng của nước ta. Nhờ đó, công tác phòng chữa bệnh đạt kết quả tích cực, đẩy lùi dịch bệnh, gia tăng tuổi thọ, phát triển rộng khắp mạng lưới Y tế, tăng số lượng nhân lực cho ngành Y.
Trọng trách của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch càng nặng khi miền Bắc hòa bình, đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội còn miền Nam bước vào đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Nhiệm vụ của Y tế lúc này vừa chăm sóc sức khỏe của con người để có hăng hái tham gia sản xuất vừa chăm sóc các chiến binh, người con ở tiền tuyến miền Nam. Đứng trước tình thế cách mạng, ông cùng các lãnh đạo khác đã đề ra nhiều biện pháp thực tế và hiệu quả: nơi nào có Mỹ đánh phá nơi đó có khả năng giải quyết các vấn đề cứu thương; phải tăng cường thiết bị, dụng cụ, nhân sự cho những vùng có hoặc dự sẽ có chiến sự ác liệt. Ông cũng chủ trương tập trung sức người sức của hỗ trợ cho miền Nam đánh giặc, ra sức chi viện cán bộ, thuốc men, tích cực đào tạo cán bộ Y tế ở miền Bắc để tung vào miền Nam khi cần kíp. Ông còn động viên nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ngành bác sĩ về phục vụ chiến trường, khuyến khích nhiều bác sĩ giỏi phẫu thuật, các vị lương Y có tiếng vào phục vụ ở những khu vực “nóng” nhất, cử nhiều dược sĩ vào để lo thuốc men cho bộ đội và nhân dân ta.
Với tình cảm da diết với quê hương, ông thiết tha xin được vào chiến trường để được trực tiếp khảo sát tình hình, từ đó đề xuất giải pháp giúp anh chị em thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn. Vào đến nơi, ông miệt mài công việc bất chấp ngày đêm, mưa bom bão đạn; coi sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đời mình. Ông dành nhiều thời gian để đi thăm và làm việc với với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để góp ý tìm cách khắc phục tình hình hiện tại. Bao ước mơ hoài bão đang còn giang dở, ông đã ra đi vào ngày 7/11/1968, cả dân tộc đau xót tiễn đưa. Bác Hồ, bộ đội, bệnh nhân khóc thương ông như những ân nhân, người thân trong gia đình. Ông ra đi khi tuổi đời còn trẻ, có thể đóng góp thêm nữa cho cách mạng, cho ngành.
Cuộc đời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không dài nhưng đã để lại cho chúng ta một kho tàng lý luận, những bài học sâu sắc và ý nghĩa. Ông vừa là chiến sĩ yêu nước, vừa là bác sĩ giàu Y đức đã nguyện một đời dâng hiến cho đất nước. Ngày nay, để tưởng nhớ Người, nhiều con đường ở các địa phương, nhiều trường đại học, cao đẳng Y mang tên người như: Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Dân tộc ta mãi khắc ghi tên người như “đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh” vậy.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH
Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990
- Website: caodangduoctphcm.org.vn
- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM
Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.