Chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống dịch COVID-19 xấu nhất trong mùa Đông Xuân

 02/12/2020 16:54 |  768 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  Nhâm PT

TS. Đặng Quang Tấn (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) cho biết, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy có 5 hoạt động lớn cần triển khai ngay, đặc biệt chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống dịch COVID-19 xấu nhất trong mùa Đông Xuân.

Ngày 30/11 tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống COVID-19 năm 2020. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Cục quản lý khám chữa bệnh…

Tại Hội nghị, TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam trong năm 2020. Đặc biệt, báo cáo cũng nêu rõ 5 hoạt động cần triển khai trong tình hình dịch COVID-19 mới.

Đối với Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế ngành, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ: Tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020. Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.

Trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan. Chuẩn bị kịch bản đối phó với tình huống dịch COVID-19 xấu nhất trong mùa Đông Xuân.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch dịch COVID-19. Duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế. Tiếp tục yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối với người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện. Tổ chức tập huấn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên. Dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.

Đối với các đơn vị y tế dự phòng: Thực hiện nghiêm kiểm dịch y tế, bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế.

Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.

Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống xảy ra. Nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh; tiếp tục tổ chức diễn tập, tập huấn. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tham mưu chính quyền địa phương đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ, xét nghiệm người nhập cảnh; tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng.

Xây dựng và chuẩn bị các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn. Chỉ đạo các bệnh viện, phòng khám tư nhân tuyến huyện, tuyến xã thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu, khai báo, chấm điểm định kỳ dành cho bản đồ chung sống an toàn với dịch.

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.

Đối với các Viện nghiên cứu: Tiếp tục rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới.

Tiếp tục hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách lý và lấy mẫu xét.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine phòng bệnh COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng bệnh COVID-19.

Theo Cao đẳng Dược TPHCM tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.