Phát biểu tại buổi họp báo đầu tiên kể từ khi hàng nghìn người dân ở Bắc Ninh đưa con lên Hà Nội đi xét nghiệm sán, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định kết quả dương tính chưa phải điều trị, chỉ khi bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài ra đốt sán hay nổi mụn mạch mới phải điều trị.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trả lời họp báo chiều 19/3
Chiều 19/3, tỉnh Bắc Ninh tổ chức cuộc họp báo đầu tiên tính từ khi hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành kéo đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (Hà Nội) làm xét nghiệm cho con do nghi ngờ thức ăn tại trường kém chất lượng. Kết quả từ ngày 15 - 17/3, cho thấy có 186 trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - chủ trì cuộc họp báo cho biết việc người dân lo lắng và đưa con đi xét nghiệm là điều hiển nhiên, chính đáng. Tuy nhiên, theo tài liệu trong nước cũng như nước ngoài đều khẳng định kết quả dương tính không xác định được chắc chắn thời điểm đó có ấu trùng ký sinh trong cơ thể không vì đây chỉ là một trong những cách góp phần vào công tác chẩn đoán.
Trước đó, năm 2004, Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị nhiễm sán chỉ dành cho những trường hợp đi ngoài ra đốt sán và nổi các mụn hạch, nghĩa là nhiễm sán trưởng thành hoặc nhiễm ấu trùng sán. Còn những bệnh nhân dương tính với ấu trùng sán chưa cần điều trị. Hơn nữa, việc điều trị dễ dàng, không tốn nhiều chi phí, thậm chí chỉ cần 1 liều duy nhất là khỏi còn nếu bị nhiễm ấu trùng dưới da thì thời gian có thể kéo dài nhưng Bộ Y tế khẳng định đều có thuốc chữa trị.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết sẽ cho cán bộ Trung ương trực tiếp đến trường, phối hợp cùng ban giám hiệu và các cơ quan Y tế địa phương để theo dõi, kiểm tra trong thời gian chờ tái khám với những người bệnh dương tính.
“Đối với các cháu chưa có kết quả, chưa xét nghiệm, tôi đề nghị cán bộ y tế địa phương cùng với cán bộ giáo dục, nhà trường không những chỉ theo dõi ấu trùng, ký sinh trùng đường ruột mà phải theo dõi sức khỏe các cháu thường xuyên. Nếu có bất thường thì phải xử lý kịp thời", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định hiện chưa đủ bằng chứng để chứng minh trường Thanh Khương vi phạm an toàn thực phẩm dù kết quả nhiều trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn. Ông cũng đưa ra giả thiết nếu có con trong điều kiện đó thì cũng rất lo.
Ông cho rằng, các mẫu thịt nổi hạch xuất hiện ở bếp ăn trường Thanh Khương vào ngày 14 và ngày 20/2 không còn lưu do lâu quá nên không thể xét nghiệm. Hơn nữa, chúng có thể bị tiêu diệt khi nấu chín. Nghiên cứu dịch tễ học cho biết sán mất khả năng hoạt động ở mức nhiệt 75 - 80 độ C. Vì vậy kể cả thịt có ấu trùng sán, trứng sán hay sán thì ăn chín, uống sôi thì không còn nguy cơ gây bệnh.
Mặc khác, môi trường nước không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây ra giun, sán. Ngay cả việc không vệ sinh tay chân sạch sẽ cũng là mầm mống gây bệnh "Vì vậy, phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ở trường mà còn có rất nhiều nguồn lây nhiễm sán nếu không đảm bảo vệ sinh", ông Phong nói. Để đề phòng bệnh giun sán nói chung, không chỉ trường học mà cả cộng đồng cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc ăn uống sạch sẽ, lành mạnh, rửa kỹ tay sau khi đi vệ sinh.
Đánh giá về tỷ lệ ca xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán lợn ở huyện Thuận Thành (11,9%), lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho rằng đây là mức cao nhưng không phải rất cao hay bất thường. Ngoài trẻ nhỏ, người lớn đi xét nghiệm cũng có thể nhiễm sán, kể cả ông. Hiện, ngành Y tế đang triển khai để mở rộng điều tra trên diện rộng.
"Số liệu điều tra dịch tễ học cho thấy không chỉ Bắc Ninh mà rất nhiều tỉnh thành ghi nhận trường hợp có sán, giun và ký sinh trùng đường ruột. Nhiều nước trong khu vực và thế giới có điều kiện vệ sinh, khí hậu như Việt Nam cũng có", ông Phong nói kèm theo dẫn chứng có tỉnh có tỷ lệ 26% nhiễm sán lá gan nhỏ và có trường hợp tới 10.000-30.000 trứng sán trong một gr phân.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo điện tử vnexpress về việc cấp trên có can thiệp để cung cấp nguồn thực phẩm từ công ty Hương Thành cho 19 trường mầm non, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành, ông Lê Văn Nho cho biết hiện các tỉnh đã giao quyền tự chủ cho các trường, hiệu trưởng được quyền tự quyết. Việc công ty Hương Thành cung cấp cho 19 trường là do hiệu trưởng quyết định, "không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc Phòng Giáo dục can thiệp".
Ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Ông Phong giải thích thêm nếu đảm bảo an toàn thực phẩm thì việc cung cấp cho 100 trường là bình thường nhưng ngược lại nếu kém chất lượng thì 1 trường cũng không được "Thực tế có bếp ăn tập thể mấy chục nghìn người, đi vào ăn phải đi theo đường một chiều, nhưng người ta vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm", ông nói.
Trước đó, vào ngày 20/2, xuất hiện video thịt lợn nghi nhiễm sán lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội khiến phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học, đề nghị nhà trường và cơ quan ban ngành có biện pháp giải quyết. Giữa tháng 3, một số phụ huynh lo sợ đưa con đi kiểm tra, kết quả dương tính với ấu trùng nguy hiểm này. Thông tin được lan rộng khiến phụ huynh có con em theo học tại 19 trường mầm non và Trường tiểu học Thuận Thành hoang mang, đồng loạt cho con nghỉ học và lên Hà Nội để xét nghiệm.
Nguồn tin: Vnexpress
>>> Ăn thịt heo mắc bệnh tả châu Phí có sao?
>>> Thịt lợn bệnh tuồn hàng tấn ở chợ đầu mối
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH
Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990
- Website: caodangduoctphcm.org.vn
- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM
Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.