Có thể ăn thịt lợn mắc dịch tả châu Phi?

 06/03/2019 17:30 |  2968 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  Ngọc Anh

Đại diện Bộ trưởng Y tế khẳng định: Dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây lan sang người, người dân chớ vội tẩy chay thịt lợn.

Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người

Dịch tả lợn châu Phi đang bắt đầu lây lan nhanh ở Việt Nam khiến rất nhiều người lo sợ, hoang mang và vội vàng truyền tai nhau “đừng ăn thịt heo”.

Đây là bệnh xuất hiện đầu tiên ở châu Phi vào năm 1921, nay đã phát hiện ở hơn 20 quốc gia nhưng vẫn chưa có vắc xin để tiêm phòng và cũng chưa có thuốc đặc trị hiệu quả.

Dịch tả lợn châu Phi do virus tả lợn Châu Phi (African swine fever virus -CSFV) gây ra và nó lan rất nhanh ở loài lợn với tỷ lệ chết lên đến 100%. Con đường lây lan được xác định là qua việc tiếp xúc với dịch nhầy, máu của con bị bệnh. Không chỉ do quá trình vận chuyển lợn mà bệnh cũng có thể do các con vật trung gian như chim có mầm bệnh, phía Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT cho biết.

Dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả ở lợn không phải là bệnh tả ở người

Virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Những cá thể khỏi bệnh sẽ chuyển sang mãn tính và mang virus suốt đời cho nên rất khó để tiêu diệt tận gốc để loại trừ được căn bệnh này.

Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có 7 địa phương bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội; hơn 4000 con lợn đã bị cơ quan chức năng tiêu hủy. Thông tin đó khiến rất nhiều người dân hoang mang và lo lắng vì sợ ăn phải thịt của lợn mắc bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe “Sống đến 50 tuổi mà ăn phải miếng thịt lợn bệnh là toi”, một người dân bày tỏ.

Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn”.

PGS Phu còn giải thích thêm, tác nhân gây ra dịch tả lợn là virus trong khi bệnh tả ở người là do vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa.

"Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người", ông Phu thông tin.

Virus gây dịch tả lợn sống rất lâu trong môi trường, có thể ở trong tiết, dịch tiết, xác động vật, thịt, các sản phẩm từ thịt chưa được nấu chín trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng và sống được 70 ngày trong máu khô.

Chọn mua thịt lợn rõ nguồn gốc, chế biến thức ăn kỹ càng

Virus này chịu nhiệt kém. Theo một nghiên cứu khoa học được công bố trên một tạp chí của Thụy Sỹ, chúng chỉ tồn tại được khoảng 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút ở nhiệt độ 60 và 2 phút ở nhiệt độ 90, 1 phút nếu đun sôi 100 độ C.

Tuy nhiên, các bác sĩ thú y cũng cảnh báo rằng tuy nó không có khả năng lây sang người nhưng do hệ miễn dịch của chúng bị suy giảm nên rất dễ mắc thêm một số bệnh dịch khác như tai xanh, thương hàn, lở mồm long móng, liên cầu lợn cúm,... Đặc biệt với bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, loại vi khuẩn gây bệnh sẽ tồn tại trong mũi, họng, miệng, dễ lây trực tiếp sang người khi tiếp xúc qua vết xước, vết thương hay do thói quen ăn tiết canh, tái sống.

Bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu có nguy cơ bị nhiễm độc, viêm não, nhiễm trùng máu, viêm màng não, ...sẽ cần được thở máy, lọc máu và hồi sức liên tục với chi phí rất cao, dễ để lại biến chứng. Vì vậy người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và chế biến thức ăn kỹ, không ăn đồ tái sống.

caodangduoctphcm.org.vn tổng hợp từ Vietnamnet

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.