Bị kéo đâm rách màng tim, bệnh nhân vẫn được bác sĩ cứu sống

 13/05/2019 15:21 |  1040 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  Phương Thảo

Một nam bệnh nhân được nhập viện với tình trạng ngực trái bị kéo đâm trúng. Tuy nhiên sau 2 giờ phẫu thuật cấp cứu, bệnh nhân này đã được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cứu sống.

Vào 6h tối  ngày 23/4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân  nam trong tình trạng ngực trái bị một chiếc kéo đâm vào đi kèm các trạng thái như da xanh, mạch đập nhanh, huyết áp thấp và vẫn chưa bất tỉnh. Bệnh nhân được xác nhận là anh Bùi Văn Cương (41 tuổi, trú tại xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Theo như các bác sĩ cấp cứu thì chiếc kéo trên người chuyển động theo nhịp tim.

Nam bệnh nhân đã nhập viện với tình trạng bị kéo đâm trúng ngựcNam bệnh nhân đã nhập viện với tình trạng bị kéo đâm trúng ngực

Bệnh nhân được nhanh chóng xét nghiệm, chẩn đoán. Các bác sĩ đã tiến hành gây mê nội khí quản, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, hồi sức tích cực, đồng thời truyền dịch và chuẩn bị đầy đủ phương tiện sẵn sàng phục vụ cho ca mổ tối khẩn cấp.

Nói về tình trạng tổn thương của bệnh nhân, BSCKII Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, trưởng kíp mổ), cho biết bệnh nhân này đã  bị kéo đâm xuyên qua khoang liên sườn, vùng trước tim, cạnh ức bên trái, bên cạnh có 2 vết thương rộng 1,5cm nông trên xương sườn.

Kíp mổ đã tiến hành rạch da đi qua chân kéo mở vào khoang màng phổi, rút kéo kiểm tra thấy vết thương rách thùy dưới phổi trái, rách màng tim 1,5 cm, máu chảy qua chỗ rách màng tim, sượt nhẹ mỏm tim.Bệnh nhân đã được truyền 3 đơn vị máu trong quá trình phẫu thuật.

Nam bệnh nhân đã nhập viện với tình trạng bị kéo đâm trúng ngựcCác bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch

Sau khoảng 2 giờ thực hiện ca mổ, đến 10h đêm cùng ngày  bệnh nhân đã được các bác sĩ cứu sống với các chỉ số sinh tồn ổn định và tiếp tục được theo dõi chăm sóc tích cực tại Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cấp cứu là do anh này đã tự dùng kéo đâm vào ngực mình với mục đích tự tử.

Đây là một trường hợp nguy hiểm tưởng chừng như không thể qua khỏi nhưng nhờ cấp cứu kịp thời và tay nghề cũng như chuyên môn của các bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh nhân đã may mắn thoát qua cơn nguy kịch.

Trong các trường hợp bệnh nhân được nhập viện như tình huống hy hữu trên đây, các bác sĩ sẽ thực hiện các quy trình cấp cứu như sau:

Khi bệnh nhân bị tổn thương do kéo đâm vào thì đây được xác định là vết  thương ngực hở (do vật nhọn đâm vào hay do hoả khí): màng tim bị thủng, máu chảy từ buồng tim vào màng tim, rồi từ màng tim qua lỗ thủng vào màng phổi hay ra ngoài qua vết thương thành ngực. Trong trường hợp máu chảy vào màng phổi thì biểu hiện lâm sàng là loại tràn máu màng phổi không cầm được, điều trị bảo tồn (dẫn lưu, hút liên tục) thường không đem lại kết quả, khi mổ ngực cấp cứu sẽ phát hiện có vết thương tim. Đôi khi máu từ trong màng tim chảy thẳng ra ngoài qua vết thương thành ngực mà không qua màng phổi, sở dĩ như vậy vì vết thương nằm ở vùng không có khoang màng phổi (phía trước ngực sát xương ức bên trái).

- Vị trí vết thương có một giá trị lớn để nghi ngờ là vết thương tim: vùng tam giác giới hạn bởi xương ức và núm vú trái. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào vị trí vết thương mà chẩn đoán

- Chụp Xquang: nếu có điều kiện nên chụp tư thế đứng: khi thấy có hơi trong màng tim là điều chắc chắn. Dấu hiệu hai bóng lồng vào nhau khó thấy. Hình tim thường không to. Khi chụp ở tư thế nằm thì việc đọc phim phải thận trọng hơn.

- Nghe tim: không đem lại những dấu hiệu có giá trị, có thể thấy tiếng thổi bất thường ở những người trước đây đã được xác định là không có, tiếng thổi đó chứng tỏ có lỗ thông giữa các buồng tim với nhau.

- Điện tim: dấu hiệu hay gặp nhất là đoạn ST chênh lên ở các chuyển đạo

- Siêu âm: có dấu hiệu tràn dịch màng tim.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ thông thường thực hiện  đường mổ qua khoang liên sườn 5 trái, khi cần thiết có thể cắt ngang xương ức sang phải. Đường bổ dọc xương ức là một đường rộng rãi, có thể điều trị được hầu hết các vết thương tim một cách dễ dàng, nhưng đòi hỏi phải quen và đảm bảo vô khuẩn.

Nếu thành tim bị thủng cần phải khâu lại, các mũi khâu không được làm thương tổn các mạch vành lớn.

Mọi người cùng nên lưu ý cách xử lý khi bản thân hoặc người khác bị vật nhọn đâm vào cơ thể

nhất là ngực, bụng. Các bạn tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu.  Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, bệnh nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong.

Để bệnh nhân ở tư thế dễ chịu nhất và chuyển ngay đến bệnh viện. Tùy từng trường hợp mà ở tư thế đứng hay ngồi, chính người bệnh sẽ cảm thấy ở tư thế nào họ sẽ thấy dễ chịu nhất.

Khi sơ cứu cho nạn nhân, việc đầu tiên bạn cần làm  là phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở thông thoáng. Nếu phát hiện thấy  đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải làm thông thoáng ngay. Nếu bệnh nhân không thở được thì phải thực hiện hô hấp nhân tạo. Nên đặt bệnh nhân nằm đầu cao để hạn chế tình trạng suy hô hấp. Tuy nhiên cũng không nên đặt đầu ở tư thế quá cao trong trường hợp bệnh nhân bị huyết áp thấp, hoặc bệnh nhân có bệnh sọ não.

Xem thêm:

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.