Ám ảnh chuyện bác sĩ kể ở bệnh viện tâm thần

 26/02/2019 15:21 |  1804 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  Ngọc Anh

Đêm về khóc ré vì cảnh tượng bệnh nhân tự tử hiện ra trước mặt, đạp xe đi an táng thai nhi cho những nạn nhân tâm thần bị xâm hại tình dục,...là những câu chuyện ám ảnh đau thương nhưng đằng sau đó là tình người bất diệt nơi “cõi điên”.

>>> Bs Mỹ “bó tay”, BS Việt phẫu thuật thành công, kéo thẳng đôi chân “rễ cây” suốt 28 năm

bệnh nhân tâm thần

Nhiều bệnh nhân giở trò trẻ con, trốn ăn khi đến giờ

Bệnh viện tâm thần vốn là những nơi u ám, là thế giới của những người mang số phận bất hạnh từ bẩm sinh hoặc do bệnh tật đày đọa. Thế nhưng, nghe câu chuyện của đội ngũ bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chia sẻ, chúng ta phần nào cảm nhận được tình cảm của họ dành cho “người điên” nơi này.

Do những cú sốc về tinh thần, áp lực công việc hay do những chấn thương, họ được cho vào bệnh viện tâm thần, lạc vào thế giới của những “người điên”. Họ hát hò vu vơ, cười nói, vẫy tay chào hay giả vờ không nghe thấy một cách vô thức. Ngày qua ngày, các Y bác sĩ làm việc tại đây đều phải nỗ lực hết mình để giành giật sự sống, kéo lấy tay họ trở lại.

Sẵn sàng chịu đòn từ bệnh nhân

Số lượng bệnh nhân mắc tâm thần ngày càng gia tăng khi cuộc sống hiện đại, có quá nhiều áp lực. Các bác sĩ liên tục bị những bệnh nhân tâm thần tấn công, uy hiếp. Thực tế, có nhiều trường hợp bị đánh đến gãy tay, gãy chân. Tuy nhiên, họ vẫn nhẫn nại, sẵn sàng để họ trút bầu tâm sự.

Hơn 30 sống chung với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết bản thân nhiều lần bị bệnh nhân tấn công dữ dội, nhất là khi lên cơn. Tuy vậy, lắm lúc thấy họ thật đáng thương. Sau cơn điên, họ lại trở thành người cha ẹ, anh em, thậm chí trở thành người yêu trong lòng các bệnh nhân.

bệnh nhân tâm thần

Hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục

"Có những bệnh nhân rất hung dữ, tấn công các nhân viên bất kỳ lúc nào. Năm ngoái, tại Khoa nam đã có một điều dưỡng tên Nhân bị bệnh nhân đánh gãy tay khi đang cố gắng khuyên cho bệnh nhân uống thuốc. Công việc đút ăn, làm vệ sinh hằng ngày cho các bệnh nhân cần phải có tình cảm, xem bệnh nhân như anh chị em ruột hay cha mẹ thì mới có thể chăm sóc bệnh được”, bác sĩ Ngọc tâm sự.

Mỗi ca có những biểu hiện và phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài dùng thuốc, các bác sĩ phải kiên nhẫn để tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, lắng nghe với mong muốn tìm được cách chữa tốt nhất. Mặc dù sau khi điều trị thành công, giữa họ không còn liên lạc với nhau nhưng niềm vui sướng nhất của bác sĩ là chứng kiến sức khỏe của bệnh nhân được phục hồi từng ngày, lặng lẽ rời viện, tiếp tục theo đuổi đam mê, nay đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo,...Họ giờ xem bác sĩ như cha mẹ còn các bác sĩ vẫn âm thầm theo dõi họ khi trở lại cuộc sống bình thường.

bệnh nhân tâm thần

Hành trình chăm sóc khó khăn nhưng không quên nở nụ cười trên môi

Căm phẫn những kẻ bất nhân

Trong suốt những năm hành nghề, điều mà bác sĩ nơi đây uất ức nhất chính là sự vô lương tâm của những kẻ đã xâm hại tình dục khiến nữ bệnh nhân mang thai. Nét buồn hiện rõ trên khuôn mặt của bác sĩ khi nhớ lại điều này. Đó là chuyện của một nữ bệnh nhân tên Được, quê ở tỉnh Quảng Bình, ngoài 30 tuổi mắc bệnh tâm thần bẩm sinh, đi lang thang rồi có lần lạc vào tận thành phố Đà Nẵng. Người dân phát hiện cô mang thai sau một thời gian ăn xin ở đây.

Khi lên cơn, chị quậy phá mạnh khiến nhiều người trói lại và đưa đến bệnh viện. Tại đây, BV mới phát hiện đây là bệnh nhân cũ vừa xuất viện được 1 năm. Sau khi thăm khám thì bác sĩ xác định người này đang mang thai. Điều khiến họ ám ảnh đến tận bây giờ là lúc chị lên cơn, hoảng loạn khiến các bác sĩ dù cố hết sức vẫn không thể giữ lại thai nhi.

“Đó là lần thứ 3 chị Được bị người ta xâm hại tình dục dẫn đến có thai, đứa thứ 3 không may bị sẩy khi người mẹ lên cơn. Gia đình bệnh nhân quá nghèo, việc an táng cho thai nhi được bệnh viện tự sắp xếp. Tôi nhớ mãi, ngày đó làm gì có xe máy, tôi cùng vài bác sĩ người chở, người đạp xe theo để ôm chiếc quách nhỏ lên an táng tại nghĩa trang quận”, bác sĩ Ngọc nhớ lại.

Đêm về khóc ré vì cảnh bệnh nhân tự tử hiện ra trước mắt

Chăm sóc bệnh nhân bị tâm thần đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn ở bác sĩ. Thời gian điều trị kéo dài hàng năm, thậm chí có những ca phải gắn bó với bệnh viện cả đời.

“Suốt hơn 14 năm công tác, tôi xem đây như gia đình thứ ba, nơi có những người chị, người em, người mẹ đang phải chống chọi với bệnh tật. Tôi đút ăn, chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thậm chí vào những ngày đèn đỏ bằng cả trái tim vì thấy bản thân họ thiệt thòi, rất đáng thương”, một Điều dưỡng Viên chia sẻ. Đáp lại, nhiều bệnh nhân yêu mến và coi Điều dưỡng như người thân thiết ruột thịt với vẻ đầy tự hào.

Điều đáng lo ngại nhất là khi chăm sóc những ca bị trầm cảm, ít nói chuyện. Bệnh nhân thường lén theo dõi các bác sĩ và điều dưỡng. Hễ thấy họ vừa đi qua là ngay lập tức tìm chỗ để tự tử. “Nhiều lần em dùng kéo cắt dây, cứu sống bệnh nhân tự tử. Lần đầu cứu người cách đây hơn 10 năm, lúc đó mới ra trường, em bị ám ảnh rất nhiều. Nửa đêm về giật mình khóc ré, vì cảnh tượng bệnh nhân tự tử hiện trước mặt mình”, ĐdV tâm sự.

Sức khỏe, niềm tin, tính mạng bệnh nhân đều gửi gắm cho bác sĩ, Y tá, Điều dưỡng. Mỗi viên thuốc, mỗi nụ cười trên môi bệnh nhân là quá trình sát cánh đồng hành, coi người bệnh như máu mủ, ruột thịt của mình. Liều thuốc tốt nhất là sự đồng lòng, nỗ lực của các bác sĩ lẫn người bệnh.

caodangduoctphcm.org.vn tổng hợp từ báo Thanh niên

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.