TP Hồ Chí Minh dốc toàn lực ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan

 04/12/2020 18:22 |  798 lượt xem |  Chuyên mục: Ngành Dược |  Nhâm PT

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lãnh đạo các cấp, các ngành của TP Hồ Chí Minh đã có sự chỉ đạo nhanh, quyết liệt; đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, không để dịch bệnh lan rộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng là người bệnh 1.347, chính quyền quận 6 đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) khoanh vùng, triển khai nhanh việc truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh. Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, quận đang cách ly tập trung 26 người và cách ly tại nhà 72 người liên quan các ca bệnh. Quận cũng đã phong tỏa một số khu vực liên quan các ca bệnh; cho học sinh ở bốn trường tiểu học: Võ Văn Tần, Nguyễn Huệ, Lê Văn Tám, Bình Tiên và học sinh lớp 12A4 Trường THPT Bình Phú tạm thời nghỉ học do có giáo viên là trường hợp F1 của người bệnh 1.347. Lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn ở tất cả khu vực chung quanh, lân cận trong phạm vi bán kính 100 m ở các điểm bị phong tỏa, những địa điểm theo lịch sử di chuyển của các ca dương tính. Đồng thời, thông báo đến người dân địa phương thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế để vừa bảo đảm an toàn, vừa giữ ổn định hoạt động bình thường…

Đáng chú ý, do hai người bệnh 1.342 và 1.347 đã đi đến nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo, cho nên các trường đại học trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhiều trường như: đại học Công nghệ, đại học Tôn Đức Thắng, đại học Sư phạm, đại học Ngoại ngữ - Tin học, đại học Văn Hiến... cho sinh viên nghỉ học, sau khi phát hiện có những trường hợp thuộc diện F1. Các trường cũng yêu cầu sinh viên và toàn thể giảng viên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, UBND  thành phố Hồ Chí Minh. Đối với khối phổ thông, đến trưa 3-12, có sáu trường tiểu học, THPT trên địa bàn thành phố cho toàn bộ hoặc một số học sinh nghỉ học ở nhà vì có liên quan người bệnh Covid-19. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, các trường học đã tăng cường các biện pháp với sự chủ động cao nhất để phòng, chống dịch. Đồng thời cũng lên kịch bản sẵn sàng cho phương án dạy học qua mạng (online) để bảo đảm nếu học sinh nghỉ học tránh dịch nhưng vẫn học đầy đủ các chương trình đề ra. 

Khi TP Hồ Chí Minh xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngành du lịch thành phố đã nhanh chóng “kích hoạt” các hoạt động phòng, chống dịch. Hiện thành phố có 24 cơ sở lưu trú du lịch chọn làm nơi cách ly tập trung với công suất 2.000 phòng. Chánh Văn phòng Sở Du lịch Trần Như Quỳnh cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo giám đốc, chủ cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly y tế thực hiện nghiêm các quy định. Theo đó, các cơ sở phải tuân thủ và thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở lưu trú làm nơi cách ly; duy trì công tác phun, khử khuẩn các khu vực công cộng có tiếp xúc với người bị cách ly; xử lý vệ sinh môi trường và cung cấp các bữa ăn trong ngày bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của khách sạn. Giám đốc, chủ các cơ sở lưu trú dùng để cách ly phải tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho người lao động đang phục vụ công tác cách ly tại khách sạn các nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, Sở Du lịch thành phố có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC đánh giá: Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, đâu đó của sự chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên, việc tăng cường thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay, trong đó, biện pháp giám sát là hết sức quan trọng. Chúng ta cần đẩy mạnh việc giám sát tại cửa khẩu, các khu cách ly, giám sát vai trò chủ động ban quản lý các khu cách ly, tập trung nhiều ở khách sạn. Song song đó, thành phố cần triển khai quyết liệt công tác giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nhằm phát hiện sớm các ca không rõ nguồn gốc thì sẽ hạn chế được nguy cơ bùng phát, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Một vấn đề nữa là phải tăng cường tính chủ động của cộng đồng, người dân, đơn vị, bộ phận, cơ quan truyền thông để cảnh báo cho người dân không được lơ là.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Thành phố thường xuyên khuyến cáo người dân phải luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng, không chủ quan. Thời gian tới, thành phố sẽ mở rộng phạm vi xét nghiệm trong cộng đồng, trước hết là những nhóm tiếp xúc gần, liên quan các người bệnh. Các bệnh viện cũng phải chủ động xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp, xét nghiệm cho công nhân ở khu chế xuất; thương nhân buôn bán ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống để có thể tầm soát trong cộng đồng, đánh giá đúng nguy cơ lây lan để từ đó có biện pháp ứng phó quyết liệt hơn. Ngành y tế thành phố sẽ đẩy mạnh hơn, ngoài việc truy vết của những trường hợp lây nhiễm này, sẽ mở rộng đối tượng xét nghiệm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngành y tế cũng đề nghị các lực lượng chức năng cần quyết liệt, xử lý nghiêm các đối tượng không chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Nhân dân

Theo Cao đẳng Dược TPHCM tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.