Kỹ năng xử lý các dạng bài trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh

 10/06/2019 16:51 |  1826 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Phượng

Nắm được cấu trúc của đề thi là vấn đề quan trọng để từ đó các em học sinh có cách phân bổ thời gian ôn luyện cũng như thời gian làm bài sao cho hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Dưới đây là cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh và kỹ năng xử lý từng dạng bài trong đề thi giúp các sĩ tử đạt điểm cao.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh

Theo Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo môn Tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia 2019 gồm 50 câu hỏi, làm bài trong 60 phút. Đề thi năm nay có sự thay đổi trong một số điểm về cấu trúc đề, nội dung, phạm vi và độ khó so với năm 2018.

Số lượng câu vẫn giữ nguyên là 50 câu nhưng tăng thêm 2 câu ngữ pháp trong phần hoàn thành câu và giảm 2 câu đọc hiểu. Phạm vi kiến thức: ngữ pháp, từ vựng trong đề thi vẫn chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Các câu hỏi tập trung về ngữ pháp cơ bản như: thì, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp, từ vựng.

Về tổng quan, đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. Các câu hỏi quen thuộc, dễ lấy điểm nằm ở các dạng bài: câu giao tiếp, ngữ âm, hoàn thành câu phần ngữ pháp, nối câu, tìm lỗi sai, câu đồng nghĩa…

Thông tin tuyển sinh Cao đẳng Dược TPHCM hệ đào tạo chính quy năm 2019

Bảng phân tích ma trận đề thi môn tiếng Anh

Gấp rút ôn tập kiến thức trọng tâm trong những ngày cuối

Theo lời khuyên của nhiều thầy cô, thời gian này, sĩ tử dành thời gian ôn lại kiến thức (cấu trúc câu, cụm từ, các chủ điểm từ vựng) đã học theo chương trình học sách giáo khoa bởi đề thi năm 2019 sẽ bao quát toàn bộ kiến thức THPT. Ngoài ra, các bạn nên luyện thật nhiều đề bám sát cấu trúc đề thi mẫu, chuẩn dạng thức đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT.

Về ngữ pháp, thí sinh lưu ý ôn thật kỹ các thì của động từ, các loại câu (câu ở thể bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp, gián tiếp, câu có hiện tượng đảo ngữ, thức giả định hay các loại mệnh đề quan hệ…).

Về từ vựng, cần nắm chắc và phân biệt các từ loại như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, mạo từ, liên từ… và các cấu trúc từ khó như cụm từ cố định, cụm động từ, thành ngữ để xử lý những câu khó.

Kỹ năng xử lý từng dạng bài

Ngoài việc nắm rõ cấu trúc đề thi, các sĩ tử cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý cho từng dạng bài. Ở dạng bài đọc hiểu, học sinh cần có kỹ thuật đọc quét, đọc lướt hoặc đọc thật kỹ để lấy thông tin nhanh và chính xác.

  • Dạng bài trắc nghiệm từ vựng (khó nhất là phần đồng nghĩa - trái nghĩa), các bạn cần học thêm nhiều từ mới. Khi học một từ, các bạn nên học thêm ít nhất một từ đồng nghĩa và một từ trái nghĩa với từ đó.
  • Ở dạng bài sửa lỗi sai và viết lại câu, nối câu (đa phần là các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp), học sinh cần tỉnh táo nhìn ra cấu trúc câu. Cụ thể, học sinh hay gặp dạng cấu trúc đảo ngữ, giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, cấu trúc bị động, trực tiếp, gián tiếp, vận dụng các liên từ theo các mối quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ, nguyên nhân - kết quả…
  • Với phần đọc hiểu, các bạn nên đọc và tìm key words trong câu hỏi trước, xác định xem yêu cầu câu hỏi là gì để trả lời đúng trọng tâm. Nếu là câu hỏi tìm thông tin chung, nên chú ý đọc những câu đầu tiên, hoặc câu cuối cùng của mỗi đoạn văn, liên kết ý lại. Nếu là tìm thông tin chi tiết, nên đọc lướt toàn bộ bài đọc, dừng lại ở phần thông tin liên quan, đọc kỹ phần nội dung gần đó sẽ giúp bạn tìm ra đáp án. Nên áp dụng phương pháp đoán từ qua ngữ cảnh. Chú ý những câu hỏi có các từ mang nghĩa phủ định, cần đọc kỹ để tránh việc hiểu sai nội dung câu hỏi.
  • Trong phần đọc - điền từ, cần xác định được loại từ cần điền vào chỗ trống đó là loại từ nào hoặc có dạng ngữ pháp nào liên quan với từ, cụm từ, hoặc câu bên cạnh. Phần kiến thức được hỏi trong dạng bài này phần lớn liên quan đến cấu trúc ngữ pháp hoặc loại từ vựng.
  • Bên cạnh đó, phần phát âm - trọng âm là phần dễ ăn điểm, vậy nên, học sinh cần chú ý đến phiên âm của từ khi tra từ mới và nắm chắc quy tắc đánh trọng âm của các từ loại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khắc phục những khó khăn khi làm bài thi

Để đạt kết quả cao khi thi, các thí sinh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cụm động từ (phrasal verb): Đây được coi là phần khó nhất trong bài, đòi hỏi học sinh phải học thuộc từng cụm (trong thời gian nước rút tốt nhất nên học những cụm động từ của: get, take, put, go, let...).
  • Bài đọc: Nhiều bạn gặp trở ngại trong phần này do kĩ năng làm bài đọc kém, hay hấp tấp, và đặc biệt là vốn từ vựng còn nghèo nàn.
  • Viết lại câu hoặc dùng từ gợi ý viết lại câu hoàn chỉnh: Do chưa vững về cấu trúc câu, không đọc cẩn thận từng đáp án đề bài cho, không để ý “bẫy” được cài cắm trong các đáp án sai nên học sinh cũng hay sai phần bài này.
  • Sửa lỗi sai: Nhiều học sinh lúng túng không thể lựa chọn được đáp án, bởi các bạn thường không để ý đến cách sửa câu sai, quá tập trung vào phần dịch nghĩa mà quên đi phương pháp để làm dạng câu này.
  • Bài trọng âm và phát âm, cũng làm các bạn yếu phần nói, và yếu phần phát âm sợ bài này.
  • Bài đồng nghĩa và trái nghĩa, do lượng từ kém, không đọc kĩ đề bài và nội dung của cả câu, cũng dễ khiến học sinh mất điểm của bài này.

Tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.