Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn và bí quyết làm bài đạt điểm cao

 08/06/2019 16:01 |  1905 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Phượng

So với đề thi THPT Quốc gia năm 2018 thì đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm nay không có sự thay đổi nào về câu trúc đề thi, thời gian làm bài và hình thức thi. Muốn đạt hiệu quả cao môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp, thí sinh phải nắm chắc được kết cấu bài thi.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn thường gồm 2 phần là: Đọc hiểu và Làm văn. Phần đọc hiểu chiếm 30% còn phần làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi.

A/ Phần đọc hiểu (3 điểm):Thường có một đoạn trích thuộc lĩnh vực xã hội và 4 câu hỏi đi kèm từng mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

  • Câu 1: Kiểm tra kiến thức tiếng Việt và văn học đòi hỏi sĩ tử cần nắm rõ về phương thức biểu đạt cũng như phong cách ngôn ngữ, phương thức lập luận, đề tài, thể loại…
  • Câu 2: Yêu cầu thí sinh vận dụng khả năng đọc hiểu của mình để đưa ra sự phân tích. Các dạng câu hỏi như: Theo tác giả, (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) được nói đến trong đoạn trích là gì?", hay "Anh/ chị hiểu thế nào về (từ khóa/khái niệm/ý kiến…) trong đoạn trích trên?...
  • Câu 3: Ở câu hỏi này đòi hỏi các bạn thí sinh phải phân tích, nhận định một cách rõ ràng và chính xác nhất. Thường ở dạng câu hỏi như: Vì sao sao tác giả cho rằng (ý kiến)?
  • Câu 4: Kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức của thí sinh vào thực hành, đồng thời các bạn rút ra được cho mình những bài học gì từ vấn đề cần nêu trên. Dạng câu hỏi thường gặp là: Anh/chị có đồng quan điểm với tác giả không? Vì sao?, Bài học rút ra từ đoạn trích trên?...

B/ Phần làm văn (7 điểm): Thường có 2 câu như sau:

  • Câu 1: Sẽ yêu cầu bạn làm một bài nghị luận xã hội với độ dài khoảng 200 chữ. Thường trong câu 1 này là những chủ đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nó là những đề tài không quá khó nhưng cũng đòi hỏi sự hiểu biết cũng như khả năng đánh giá, quan điểm riêng của mỗi bạn thí sinh.
  • Câu 2: Câu này chiếm nửa số điểm của toàn bài, là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12).

Theo như đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không có nội dung kiến thức của chương trình lớp 11 và lớp 10 tuy nhiên các bạn vẫn phải chú ý ôn tập thêm thật kỹ để tránh bị động, bối rối nếu gặp phải trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

»»» Xem thông tin Cao đẳng Dược TP Hồ Chí Minh «««

Đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

Lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn để đạt điểm cao

Về phần Đọc hiểu: Học sinh cần nắm vững các kiến thức lý thuyết về phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ. Bên cạnh đó cũng cần nắm một số các dạng câu hỏi đọc hiểu khác như xác định biện pháp tu từ; nêu tác dụng của biện pháp tu từ; đặt tựa đề, chủ đề, nội dung chính hay tóm tắt đoạn văn.

Một lưu ý nhỏ trong phần đọc hiểu là học sinh khi làm phần này cần phải viết đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, tránh dùng lối trả lời lược bớt, quá ngắn gọn dẫn đến cộc lốc sẽ gây mất thiện cảm cho người chấm bài. Bên cạnh đó, trả lời cũng cần phải đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, tránh lòng vòng mất thời gian. Đặc biệt là không đi phân tích những gì đã có sẵn trong văn bản.

Ở phần Nghị luận xã hội: Phần này đề yêu cầu là viết đoạn văn có giới hạn số chữ. Tuy nhiên, đa phần học sinh thường nhầm lẫn sang… viết thành bài văn với đầy đủ mở bài, thân bài và kết bài. Đối với phần nghị luận xã hội, các em chỉ cần viết đoạn văn với cấu trúc đảm bảo đúng hình thức của đoạn, đúng yêu cầu nội hàm của đoạn.

Trong phần Nghị luận văn học: Trọng tâm thường có 2 dạng là bình luận ngắn, phân tích, giải mã những chi tiết nhỏ của tác phẩm hoặc đi vào ý nghĩa vai trò chi tiết của tác phẩm tự sự. Với cả 2 dạng này, khi làm học sinh cần phải tuân thủ chặt chẽ cấu trúc của mở bài, thân bài và kết bài.

Trong đó, mở bài chú ý giới thiệu gọn về tác giả (nét riêng biệt, đóng góp nổi bật), phong cách đặc điểm sáng tác, khái quát về hoàn cảnh xuất xứ của tác phẩm. Ở đó có giới thiệu tên tác phẩm/đoạn trích/nội dung và tên tác phẩm. Nêu bật được luận đề của đề yêu cầu. Nếu đề là một nhận định thì cần phải trích nguyên văn nhận định đó. Đặc biệt, phải có thêm phần chuyển ý sang thân bài để bài viết có sự hài hòa. Thao tác này học sinh thường rất yếu.

Với mở bài, không cần hay nhưng quan trọng là phải cho người ta biết mình sẽ viết về cái gì, như thế nào (xác định được luận đề, thể loại làm bài). Đối với phần thân bài, triển khai theo các luận điểm xoay quanh nhân vật (tự sự) hoặc hình tượng (thơ). Đặc biệt, phải có phần đánh giá nêu lên được thái độ, thông điệp mà nhà văn đã gửi gắm khi xây dựng nhân vật/ hình tượng đó tiêu biểu cho điều gì. Phần kết bài: Đánh giá và nêu cảm nhận chung. Lưu ý đề yêu cầu phân tích gì thì tập trung vào đánh giá vào điều đó. Tránh lạc đề.

Để làm bài thi môn Ngữ văn đạt điểm cao, học sinh phải có kế hoạch ôn tập khoa học, kiến thức ôn phải có sự trọng tâm (với tác phẩm tự sự thì tập trung vào nhân vật, còn thơ thì tập trung vào hình tượng). Nắm chắc cấu trúc của từng dạng bài trong đề thi, kỹ năng làm bài, không nên viết như nói, không sử dụng ngôn ngữ mạng, không viết tắt số sẽ dẫn đến mất điểm.

Tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.