Kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý các sĩ tử cần ghi nhớ

 12/06/2019 07:17 |  1490 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Phượng

Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, trong thời điểm này, ngoài việc nắm chắc cấu trúc của đề thi thì các sĩ tử cũng cần phải nắm vững các kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý để có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Cấu trúc đề thi THPT Quốc gia môn Vật lý

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có 40 câu trắc nghiệm với 50 phút làm bài. Theo đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu), trong đó, khoảng với 60% cơ bản và 40% mang tính phân loại.

Cụ thể cấu trúc đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019 môn Vật lí về mặt nội dung:

  • Chương I. Dao động cơ: 7 câu
  • Chương II. Sóng cơ và sóng âm: 5 câu
  • Chương III. Dòng điện xoay chiều: 7 câu
  • Chương IV. Dao động và sóng điện từ: 3 câu
  • Chương V. Sóng ánh sáng: 7 câu
  • Chương VI. Lượng tử ánh sáng: 2 câu
  • Chương VII. Hạt nhân nguyên tử: 5 câu
  • Vật lí 11: 4 câu

➤  Xem thông tin tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Ma trận đề thi THPT quốc gia 2019 môn Vật lý của Bộ GD&ĐT

Kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm môn Vật lý

Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Các bạn có 50 phút để có thể hoàn thành bài thi của mình với 40 câu hỏi trắc nghiệm. Vì vậy, bạn nên hoàn thành những câu hỏi dễ trong khoảng thời gian ngắn nhất để dành thời gian cho những câu hỏi khó hơn.

Các bạn nên dành ra 25 - 30 phút để làm những câu hỏi khó và 5 - 10 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài và phiếu trả lời trắc nghiệm. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó.

Nếu không làm được câu nào đó thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác và đánh dấu nhận biết để quay lại làm sau. Các thí sinh tuyệt đối không được bỏ trống bất kỳ câu nào trong phiếu trả lời, nếu không chắc chắn đáp án thì bạn hãy dùng phương pháp loại trừ và chọn đáp án mà bạn cho rằng cho xác xuất đúng cao nhất.

Đọc kỹ câu hỏi trong đề thi

Trong rất nhiều câu hỏi Vật lý, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thậm chí thay đổi thứ tự các từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Nếu đọc đề bài một cách sơ sài, chúng ta không thể nào phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó, vì thế sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Đặc biệt chú ý vào những câu chữ: sai, không đúng, không phải, chỉ… Cần làm nổi bật những câu chữ quan trọng trong đề bài (gạch dưới, khoanh tròn…).

Không nên vội vàng ghi đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm

Các bạn không nên vội vàng tô đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm nhưng cũng không nên đợi đến khi làm hết tất các các câu hỏi mới tô đáp án. Làm khoảng 10 câu thì các bạn hãy tô đáp án vào phiếu trả lời một lần, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tránh tình trạng tô nhầm thứ tự các câu trong trường hợp làm hết tất cả các câu mới tô đáp án.

Nháp thẳng vào đề thi

Khi đọc đề, các bạn nên tóm tắt lại các đại lượng và nháp luôn ở trên đề. Những đại lượng nào cần phải đổi đơn vị thì hãy đổi luôn và ghi những công thức cần thiết vào đề thi, không cần thiết phải tóm tắt lại và ghi các bước giải ra nháp. Làm như vậy thí sinh sẽ đỡ mất thời gian chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ giấy nháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vận dụng phương pháp loại trừ và thay ngược đáp án vào đề bài

Các bạn có thể loại trừ là bằng cách phân tích, suy luận để loại các đáp án sai, còn lại đáp án đúng. Phương pháp này thường dùng khi là những câu hỏi không cần phải tính toán cụ thể và chi tiết, chỉ cần suy luận, vận dụng sự tỉ lệ thuận, tỉ lệ nghịch của các đại lượng vật lý… Phương pháp này có thể giúp cho các bạn nhanh chóng loại trừ được những đáp án sai và giữ lại những đáp án đúng mặc dù không hiểu hết nội dung của câu hỏi.

Bên cạnh đó, có một phương pháp nữa mà các bạn cũng có thể áp dụng chính là thay ngược đáp án vào đề bài. Với một số câu hỏi, các bạn có thể lần lượt thay đáp án vào công thức để có thể tìm ra được đáp án đúng.

Áp dụng những công thức tính nhanh bằng máy tính

Khi làm bài thi, các bạn có thể sử dụng chức năng Shift Solve của máy tính để giải bài tập. Những bài tập liên quan đến tìm số k trong chương 2 và chương 5 thì các bạn có thể sử dụng Table (Mode 7) để giải nhanh. Những bài tập dạng tổng hợp dao động của Chương 1 thì có thể dùng Số phức (Mode 2) để giải.

Những điều cần lưu ý khi thi

  • Khi chuẩn bị dụng cụ đi thi, các sĩ tử nên mang theo vài cây bút chì đã gọt sẵn để “đề phòng bất trắc” lúc làm bài.
  • Khi tô đáp án thì phải tô kín đáp án, không được tô cẩu thả hay tô quá mờ; khi bỏ chọn đáp án thì phải tẩy thật sạch để tránh trường hợp mất điểm đáng tiếc.
  • Không nên gọt bút chì quá nhọn để việc tô đáp án nhanh hơn và có thể làm rách phiếu trả lời trắc nghiệm.
  • Nên dùng một cục tẩy rời thay vì dùng tẩy ở đuôi bút chì để tiết kiệm thời gian.
  • Điều quan trọng nhất chính là các bạn cần phải có một sức khỏe thật tốt, luôn tự tin và bình tĩnh khi làm bài thi. Khi làm bài thi phải bình tĩnh, không được hoang mang để tránh những sai sót đáng tiếc.

Ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.