Suýt thủng màng nhĩ vì đeo tai nghe khi ngủ

 30/11/-1 00:00 |  630 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  An Bình

Một người đàn ông bị đầu tai nghe lọt vào trong tai khiến màng nhĩ xung huyết, đọng máu, ống tai ngoài trầy xước phù nề.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nam đến khám trong tình trạng đau tai dữ dội. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó, người này có đeo tai nghe khi ngủ và bị một phần của thiết bị này rơi vào bên trong.

Bệnh nhân đã được gia đình đưa đến bệnh viện ở địa phương khám nhưng không lấy ra được. Sau khi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bác sĩ phát hiện dị vật đã ở sát màng nhĩ, gây trầy xước ống tai ngoài.

Sau khi đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu, thực hiện các biện pháp chuyên môn, các bác sĩ đã lấy được dị vật ra cho bệnh nhân là đầu nút của tai nghe dài khoảng 0,5 cm.Dị vật khiến màng nhĩ xung huyết, đọng máu, ống tai ngoài trầy xước phù nề.

suyt-thung-mang-nhi-vi-deo-tai-nghe-khi-ngu
Dị vật là đầu tai nghe được lấy ra ngoài

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khuyến cáo người dân nên chú ý chất lượng tai nghe khi sử dụng, không nên đeo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, người dân cần thận trọng với bất cứ vật gì khi đưa vào tai, vì đây là vùng rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Khi xảy ra sự cố, không nên tự ý xử trí tại nhà mà phải ngay lập tức đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc ngủ quên khi đeo tai nghe không chỉ làm tổn thương cơ quan thính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội), sử dụng tai nghe liên tục, kéo dài trong nhiều giờ với âm lượng cao kích thích thẳng vào ốc tai, tai trong có thể dẫn đến viêm, giảm sức nghe.

Nhiều trường hợp có biểu hiện như ù tai, chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, đau tai, hoa mắt, nghe âm thanh khác lạ trong tai chỉ mình nghe thấy là biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

Đeo tai nghe khi ngủ có thể dẫn đến “điếc đột ngột”

Trước đây, những người cả ngày đeo tai nghe để nghe nhạc thường là giới trẻ. Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự phổ biến của MP3 và điện thoại thông minh, dù là nghe nhạc, xem phim, chơi game, thì để tránh làm phiền người khác, không kể già trẻ lớn bé – ngày càng có nhiều người cũng bắt đầu đeo các loại tai nghe.Không chỉ có vậy, khi dạy học hoặc chia sẻ kinh nghiệm, nhiều người cũng khuyên những người học ngôn ngữ rằng khi ngủ có thể đeo tai nghe để nghe nhạc, nghe radio… tận dụng phần tiềm thức khi ngủ để học. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng đắn?

Gần đây có một học sinh lớp 2 ở Đài Loan đeo tai nghe khi ngủ, sáng dậy phát hiện một bên tai bị mất thính giác, không nghe thấy âm thanh nữa. Gia đình vội vàng đưa đến bệnh viện thì mới biết là bị “điếc đột phát”, sau khi nằm viện 5 ngày mới dần phục hồi trở lại.

Sự việc này được giáo sư Điền Huy Tích – Chủ nhiệm khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Á châu (Đài Loan) chia sẻ. Ông chỉ ra rằng ngày nay có rất nhiều người thích hưởng thụ không gian riêng nhờ vào việc đeo tai nghe. Cách này ít gây phiền phức đối với giới trẻ, chỉ cần nghe 50 phút nghỉ 10 phút, thính lực sẽ không dễ bị ảnh hưởng. Chỉ là nếu âm lượng quá lớn, lâu dần có thể sẽ khiến các tế bào lông không chịu nổi.

Ông Điền Huy Tích nhắc nhở rằng tuyệt đối đừng đeo tai nghe khi ngủ. Bởi vì khi ở trong trạng thái ngủ, tuần hoàn máu của cơ thể sẽ chậm lại, nếu các tế bào lông vẫn tiếp tục chịu kích thích, nhưng máu lại không thể cung cấp kịp thời thì sẽ gây hiện tượng điếc đột ngột. Cậu bé mà ông chữa trị là do trong khi ngủ một bên tai nghe bị rơi ra, nếu không thì cả hai tai đều sẽ bị tổn thương.Vậy thì những loại tai nghe nào gây hại đến tai nhất? Giáo sư Điền Huy Tích cho hay, “tai nghe nhét tai” có hại cho tai nhất, vì theo nghiên cứu, loại âm lượng của tai nghe này không thể tản ra ngoài được. Nếu phải đeo tai nghe, hãy cố gắng lựa chọn kiểu “tai nghe chụp tai”, âm lượng dễ phân tán, hoặc tai nghe ôm vành tai cũng khá tốt.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.