Liên tiếp trẻ bỏng nước sôi và những cách sơ cứu sai lầm của bố mẹ

 13/11/2020 16:37 |  415 lượt xem |  Chuyên mục: Tin tức Y tế |  Nhâm PT

Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng, nặng nề.

Hai ngày 4 trẻ nhập viện

Liên tiếp trong 2 ngày, 10 - 11/11/2020, Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trẻ bỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn.

Điểm chung là các cháu ở độ tuổi rất nhỏ, bị bỏng trong tình huống bất ngờ. Đó là trường hợp cháu Q, 12 tháng tuổi, quê Phú Yên, bỏng do với tay vào bát mỳ tôm mẹ đang ăn dở; Cháu H, 12 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, bỏng do nhúng chân vào chậu nước tắm chưa kịp hòa nước lạnh; Cháu T, 15 tháng, nhà ở quận Long Biên, bỏng do với tay vào ấm siêu tốc đang đun, khiến nước sôi đổ vào người và cuối cùng là Cháu H, 6 tuổi, ở Cầu Giầy, Hà Nội, bị bỏng do bất cẩn ngã vào vào chậu nước sôi.

Trong số đó, nặng nhất là trường hợp cháu Q, 12 tháng tuổi, nước nóng từ bát mỳ tôm đổ vào vùng  mặt, cổ, tay khiến cháu bị bỏng 15%  độ II. Các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, sử dụng thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày. Ngoài ra, cháu đang được các bác sỹ chuyên khoa mắt theo dõi sát sao do nước nóng bắn cả vào mắt.

Trước đó ít ngày, bé K. (sinh tháng 3 năm 2020) cũng rơi vào cảnh tương tự. Do đang vội, mẹ K đã đặt ngay bình ủ sữa dưới dưới sàn, rồi lại quay xuống bếp. Lúc ấy cháu K một mình bò chơi quanh nhà đã chạm vào.

Cháu bị bỏng nước sôi tay trái và hai chân, đau đớn kêu khóc. Mẹ cháu trong lúc hốt hoảng đã dùng kem đánh răng bôi vào vết bỏng rồi vội vàng đưa con đi bệnh viện.

Tại khoa Bỏng Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cháu K. được chẩn đoán là bỏng 5% độ II, III. Các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh thay băng tại chỗ hàng ngày. Phải mất 4 tuần điều trị cháu mới có thể ra viện.

Di chứng nặng nề

Trên đây chỉ là 5 trong rất nhiều tình huống tai nạn sinh hoạt rất đáng tiếc do bỏng gây ra, được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn trong nhiều năm qua. Theo các bác sỹ, lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi, do độ tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.

Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp ở trẻ em là bỏng do nước sôi, ngoài ra có thể là dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất. Tổn thương bỏng rất đa dạng. Bỏng ở vị trí cánh cẳng tay đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động.

Ngoài ra các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản của trẻ.

Các bác sĩ lưu ý, tất cả những trường hợp này đều cần được xử trí đúng. Xử trí không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên có thể khiến vết thương nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng. 

Chia sẻ với phóng viên, BS Nguyễn Thống, nguyên Trưởng  Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn cho biết có rất nhiều sai lầm khi sơ cứu bỏng. Đầu tiên phải kể đến thói quen bôi kem đánh răng, mỡ trăn hay dội nước đá lên vết bỏng là hoàn toàn sai lầm. Những cách như vậy không giúp cấp cứu bỏng nhiệt hiệu quả mà còn làm tình trạng nặng hơn.

Ngoài ra nhiều người khi bị bỏng lại chườm đá, lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng.

BS Nguyễn Thống cho rằng “đây là việc làm vô cùng nguy hiểm”. Lý do vì nhiệt độ của nước đá thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí, nếu bỏ nhiều đá trong nước có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ có thể lên đến 45 đến 50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh sẽ làm tình trạng tổn thương bỏng nặng hơn.

Một sai lầm khác nhiều người mắc phải cũng được BS Thống chỉ ra đó là việc chọc vỡ, bóc vết bỏng; dùng tinh dầu (dầu dừa và dầu oliu) để chữa bỏng. Tuy nhiên, theo BS Thống dầu giữ nhiệt, ngăn không cho sức nóng từ vết bỏng thoát ra. Đây là một sai lầm vì giữ nhiệt có thể khiến vết bỏng nặng thêm.

Nguồn: vietnamnet
Theo Cao đẳng Dược TPHCM tổng hợp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.