“Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình em tôi mất liền 3 cháu, đều có những biểu hiện giống nhau”, người họ hàng của cặp vợ chồng này chia sẻ.
Mới đây, bé T.Q.H. (18 tháng) đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé H là con thứ ba của anh T.V.C. (32 tuổi) và chị N.Q. (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trước đó, bé đầu tiên của vợ chồng này đã mất trong tháng 4, bé thứ hai cũng mất vào tháng 10. Cả 3 bé đều tử vong với cùng một biểu hiện giống nhau, nhiễm vi khuẩn Whitmore.
“Chỉ trong vòng 8 tháng, gia đình em tôi mất liền 3 cháu, đều đi bệnh viện mà không trở về, đều có những biểu hiện giống nhau”, người họ hàng của cặp vợ chồng này chia sẻ.
Theo báo cáo ngày 12/11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), bé gái đầu tiên là T.Q.T. (sinh năm 2012, học sinh lớp 1) đã tử vong tại Bệnh viện Xanh Pôn. Bé bị sốt ngày 6/4 và gia đình tự mua thuốc điều trị. Đến chiều tối 8/4, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Tình trạng bé ngày càng nặng lên và 2h sáng 9/4, bé được chuyển đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây bé T. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột và tử vong lúc 7h cùng ngày.
Tiếp đó, bé trai thứ hai là T.C.V. (sinh năm 2014) xuất hiện sốt 38,5 độ C, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10 và không điều trị gì. 5h sáng 28/10, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31/10, bé T.C.V. tử vong tại bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Kết quả mẫu máu xét nghiệm cho thấy có kết quả dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.
Bé trai thứ ba kể trên có biểu hiện sốt 38,5 độ C trong ngày 10/11, đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác cháu bé, đến ngày thứ tư, bé T.Q.H. có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao. Sau đó, gia đình nhận được thông báo thuốc không đáp ứng để diệt vi khuẩn và chỉ định lọc máu. “Cháu ra đi khi đang lọc máu, anh trai của cháu cũng trong tình trạng tương tự”, người nhà bệnh nhi chia sẻ.
Cũng theo báo của của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở, số ít có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh có thể lây từ người sang người nhưng rất hiếm. Do vậy, các yếu tố nguy cơ bùng phát lây lan thành dịch tại đây không cao.
Liên quan đến sự việc, sáng 18/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Sau khi phát hiện 2 trường hợp cùng trong một gia đình tử vong vì bệnh whitmore, chúng tôi đã báo cho cơ quan dịch tễ Hà Nội để tìm hiểu, điều tra. Trước mắt, chúng tôi chỉ khuyến cáo bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh, người dân cần rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch”.
Ở những nơi có bệnh lan truyền, việc tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh melioidosis. Tuy nhiên, ở những khu vực này, để giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm, người dân có thể thực hiện như sau:
Người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh melioidosis và nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng.
Nông dân nên mang ủng khi đi xuống ruộng, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng qua chân.
Nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua đường tiếp xúc (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH
Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990
- Website: caodangduoctphcm.org.vn
- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM
Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.