Ngành báo chí có những chuyên ngành nào?

 14/01/2019 10:24 |  6578 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Ngọc Anh

Phát thanh, truyền hình, đa phương tiện, …chính là những loại hình và là các chuyên ngành của ngành báo chí hiện đại. Cùng tìm hiểu kĩ hơn trong bài viết dưới đây.

Khái quát về ngành báo chí

Ngành báo chí hiểu một cách đơn giản là ngành học đào tạo những nhà báo tương lai. Họ có thể là phóng viên, biên tập viên, tổng biên tập,…là những người truyền đạt thông tin, những sự kiện quan trọng, có ý nghĩa với đông đảo công chúng.

Tố chất cần có của một người làm báo nói chung là khả năng am hiểu hiện thực, nhanh nhẹn trong việc phát hiện, xử lý đề tài từ thực tiễn, có năng khiếu viết lách để phản ánh hiện thực vừa chân thật vừa lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem, đặc biệt là có kĩ năng giao tiếp tốt với nhiều đối tượng khác nhau.

Các ngành báo chí

Các ngành báo chí được phân chia theo loại hình báo chí, bao gồm:

  • Báo in
  • Báo ảnh
  • Báo phát thanh
  • Báo truyền hình
  • Báo mạng điện tử
  • Báo đa phương tiện

Cụ thể

Báo in

Đây là ngành ra đời sớm nhất và tồn tại mãi cho đến ngày nay. Nó có những thế mạnh riêng để cạnh tranh với những loại hình báo chí hiện đại. Ưu điểm là dễ đọc, dễ cầm di chuyển, phù hợp với người già, xe ôm truyền thống, những người rảnh rỗi, có thời gian. Các bài viết trên báo in khá đa dạng về thể loại, có nhiều phóng sự dài kì được phân tích chi tiết và sâu sắc. Những thông tin được đăng trên mặt báo thường xác thực hơn. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất nên nó không mang tính cập nhật, số lượng độc giả ngày càng thu hẹp.

Các ngành báo chí

Những tờ báo in nổi tiếng trên thế giới

Báo ảnh

Là cách phóng viên đưa tin, sự kiện, thậm chí cả những phóng sự qua hình ảnh. Nó mang nhiều thông điệp lớn, tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhiều người. Ưu điểm của ngành báo ảnh là ngắn gọn, kiệm lời, phù hợp với xu thế tìm kiếm thông tin của công chúng. Thông thường, hình ảnh chỉ là một yếu tố hình thức để làm bật nội dung nhưng với loại hình này, đây chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của một tác phẩm.

Báo phát thanh

Ngành phát thanh ra đời từ những năm 1945 với chương trình đầu tiên được phát trên đài tiếng nói Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh sản xuất để thông báo cho toàn thể dân tộc Việt Nam là chúng ta đã đánh bại được quân thù, non sông đã thuộc về nước ta. Hiện nay, ngoài đài phát thanh của quốc gia thì còn 63 đài của các tỉnh thành trên cả nước với số lượng chương trình, các kênh ngày càng đa dạng.

Ưu điểm của báo phát thanh là có thể nghe mọi lúc mọi nơi, mang những chiếc đài radio nhỏ xíu di chuyển trên xe, thể loại đa dạng, giọng nói truyền cảm,…Tuy nhiên thính giả không được tận mắc chứng kiến nên nhiều lúc khó hình dung được những gì họ đang nghe thấy.

Báo truyền hình

Truyền hình ra đời cùng với phát thanh, khởi đầu là đài truyền hình Việt Nam (nay có trụ sở ở 43 Nguyễn Chí Thanh) rồi phát triển nhanh mạnh mẽ với hơn 63 đài của các tỉnh thành. Chưa kể các đài và các kênh truyền hình tư nhân, truyền hình quốc hội, dự kiến có cả truyền hình của Viettel.

Thế mạnh của báo truyền hình là hình ảnh và âm thanh sôi động tạo cho người xem có cảm giác như được chứng kiến toàn bộ câu chuyện, từ đó độ tin cậy cao hơn. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, dàn dựng trên truyền hình làm mất niềm tin của công chúng. Ví dụ như phóng sự khói trắng shisha, điều ước thứ 7 số có nhân vật Đào, phóng sự cây chổi quét rau,…

Báo mạng điện tử

Ngành báo chí này ra đời cùng với sự xuất hiện của mạng internet. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ kéo theo nền báo chí thế giới và nước nhà cũng có những sự chuyển biến theo hướng tích cực. Từ những tờ báo với giao diện đơn giản, ít chuyên mục cho ra đời những tờ báo mạng điện tử với đa dạng thể loại, hình thức thể hiện, giao diện bắt mắt thu hút độc giả.

Ưu điểm của báo mạng điện tử là thông tin mang tính thời sự, nóng hổi, nhanh, phù hợp với tác phong công nghiệp và thực tế việc sử dụng thiết bị di động của con người. Chỉ cần bỏ ra mấy triệu đồng là có thể mua được những chiếc smart phone thả ga đọc báo cả ngày.

Tuy nhiên, do áp lực công việc đòi hỏi đưa tin nhanh, cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nghìn tờ báo nên nhiều tác giả không kiểm chứng thông tin chính xác đã vội vàng đưa lên mặt báo làm mất niềm tin của độc giả.

Báo đa phương tiện

Đây là loại hình tích hợp nhiều yếu tố, từ ảnh, viết, phát thanh cho đến truyền hình. Điều này được nhiều tờ báo mạng áp dụng thành công. Ví dụ như tuổi trẻ, nhân dân, zing,…Những tờ này có thêm mảng video, media,…Để xem truyền hình, nghe phát thanh, khán giả không mất thời gian để “chực chờ” đúng khung giờ đài phát sóng mà chỉ cần lên đây để tìm kiếm.

Báo đa phương tiện

Báo đa phương tiện tích hợp cả chữ viết, hình ảnh, âm thanh

>>> Cơ hội nghề nghiệp có một không hai của ngành báo chí

Công việc cụ thể của các ngành báo chí

Chức danh chung của nhà báo là phóng viên, biên tập viên, trưởng phòng, trưởng ban, phó tổng biên tập, tổng biên tập. Ở mỗi ngành lại có những sự khác nhau. Ví dụ như báo truyền hình có thêm người dẫn chương trình, quay phim, dựng phim còn ở phát thanh có phát thanh viên, ghi âm,…Tất nhiên một người có thể đảm nhận, kiêm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc và người học chuyên ngành này cũng có thể làm chuyên ngành khác. Ví dụ học  báo in ra có thể làm báo truyền hình và ngược lại.

Công việc cụ thể của từng chức danh:

  • Phóng viên: phát hiện đề tài, thể hiện tác phẩm (viết, ảnh, âm thanh, video) rồi đưa cho biên tập viên duyệt sau đó xin chữ kí quyết định phát sóng/ đăng của phó tổng biên tập/ đài truyền hình phát thanh,…
  • Biên tập viên: có nhiệm vụ chỉnh sửa lại bài viết của phóng viên sao cho phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan cũng như thay đổi câu cú nếu có lỗi ngữ pháp.
  • Quay phim: có trách nhiệm ghi lại những cảnh quay quan trọng trong các sự kiện, hội nghị sao cho thể hiện được một nội dung trọn vẹn. Các cú pháp về câu hình, trung cảnh, cận cảnh, toàn cảnh,…là những thứ các bạn sẽ được đào tạo trong chương trình học.
  • Phát thanh viên: những người đọc trong các chương trình phát thanh, radio,…
  • Người dẫn chương trình truyền hình: xuất hiện trong các chương trình phát sóng trên đài truyền hình. Những MC nổi tiếng như: Hoài Anh, Quang Minh, Hoàng Linh, Lại Văn Sâm,…

Lưu ý: Xu hướng ngày nay ở các cơ quan báo chí là một người có thể đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau. Bởi lẽ có một thực tế, nhiều lúc biên tập viên  chỉnh sửa bài lại cắt gọn mất phần mà phóng viên tâm đắc nhất, gây bất bình; hay đôi lúc quay phim ghi những hình ảnh không có chi tiết đắt giá hay thiếu cảnh khiến những lời bình của phóng viên truyền hình không khớp dẫn đến họ khó khăn hơn trong việc cho ra đời một tác phẩm truyền hình. Tuy nhiên, do hạn chế về máy móc công nghệ nên điều này vẫn khó để thực hiện, trừ những tin nóng không đòi hỏi hình ảnh chất lượng cao.

Như vậy, bài viết trên vừa trả lời câu hỏi báo chí có những ngành nào cũng như việc làm của từng ngày giúp thí sinh có định hướng theo ngành này có cái nhìn tổng quan về ngành để đánh giá, xem bản thân yêu thích, phù hợp với cái gì để phấn đấu mà trước hết là cố gắng để thi đỗ vào trường.

caodangduoctphcm.org.vn

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.