Cách “yêu lại từ đầu” môn Văn học

 30/11/-1 00:00 |  1341 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Ngọc Anh

Nhà thơ Tố Hữu từng nói rằng: Học văn thật là một niềm vui sướng lớn. Thế nhưng, văn học thực sự là một nỗi ám ảnh “kinh hoàng” của nhiều học sinh. Tại sao các em viết văn chưa hay hoặc trước một áng văn chương bất hủ, các em lại chẳng có cảm xúc gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp các em “yêu lại từ đầu” môn Văn và nuôi dưỡng niềm yêu thích môn học này mãi những tháng ngày về sau, trước hết là để phục vụ cho kì thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.

phương pháp học văn

Phương pháp học văn hiệu quả nhất

Cách “yêu lại từ đầu” môn Văn học

Rất nhiều người đã thoát nạn mù chữ nhưng đọc văn vẫn không hiểu, tuy văn học cũng chỉ là những dòng chữ. Bởi lẽ đọc hiểu được một tác phẩm không phải đơn thuần là nhận thức lý trí mà còn cần tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Có người rất thông minh, rất phát triển về lí trí, nhưng trước một áng văn hay chẳng có cảm xúc gì cả.

Vậy người đọc văn phải có điều kiện gì, năng lực gì?

Mỗi người đều có một kho ấn tượng thẩm mỹ được tích lũy tự phát từ bé. Đó là những học qua sách vở, tranh ảnh, phong cảnh thiên nhiên, lời ru của mẹ, câu chuyện của bà, trải nghiệm sống của bản thân,… Những ấn tượng ấy tạo nên ở mỗi người một “trường liên tưởng thẩm mĩ” nhất định. Khi đứng trước một áng văn hay, một bức tranh đẹp…sự rung cảm của ta diễn ra trên cơ sở một chùm liên tưởng giữa những yếu tố nào đó có trong trường liên tưởng thẩm mĩ của mình. Mỗi người có một “gu thẩm mĩ” khác nhau. Người thì phong phú, người thì nghèo nàn, người thiên về sách vở, người thì thiên về kinh nghiệm sống..vv. Người có trường liên tưởng thẩm mĩ phong phú hơn tất nhiên viết văn tốt hơn, sâu sắc hơn. Vì trường liên tưởng thẩm mĩ khác nhau nên hiểu văn có thể khác nhau. Đó cũng là lí do tạo nên phong cách khác nhau, cái tạng khác nhau của mỗi nhà phê bình.

Ngoài học văn bằng sơ đồ tư duy, người đọc cần có trường thẩm mỹ nhất định

Thật khó để “truyền” bí kíp trong cách cảm thụ văn chương. Điều quan trọng là phải làm sao tích lũy cho được một trường liên tưởng thẩm mĩ phong phú nhiều mặt. Tích lũy một cách cần mẫn, liên tục trong cả cuộc đời mình. Không ai, kể cả những nhà văn, những nhà phê bình lớn, có năng lực thẩm văn một cách tuyệt đối, nghĩa là cảm nhận được chính xác mọi vẻ đẹp khác nhau của mọi áng văn chương trên đời. Chẳng hạn như Lép Tôn xtoi không thích văn Sexpia, Vũ Ngọc Phan đánh giá thấp Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và chê văn Nam Cao. Hoài Thanh không thích mấy câu thơ rất tiêu biểu của Hồ Xuân Hương (trong khi Xuân Diệu rất thích): “Cửa son đỏ loét tùm hum tóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu/ (…) Một trái trăng thu/ chín mõm mòm/ Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom…”. Trần Đăng Khoa tiên đoán văn Nguyễn Tuân không sống được lâu dài. Anh chê bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm là dở, trong khi Phạm Thị Hoài thì cho là “tuyệt vời”, và mình thì gọi là “siêu thơ”…Vì thế, đọc văn, hiểu văn, không nên chủ quan, tự mãn, coi cách hiểu của mình là chuẩn mực, là duy nhất đúng.

làm sao để viết văn hay

Bí kíp học văn tốt là đọc nhiều, tích lũy nhiều

Để hiểu một tác phẩm văn chương có hai công việc phải làm: Một là tìm hiểu những điều ngoài văn bản tác phẩm, có liên quan đến tác phẩm, như: tác giả, thời đại tác giả sống, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; hai là đọc và phân tích văn bản tác phẩm. Công việc thứ hai này quan trọng nhất, quyết định nhất và cũng khó khăn nhất. Việc phân tích một tác phẩm văn chương nên tiến hành qua ba bước. Cả ba bước này đều xuất phát từ quan niệm tác phẩm văn chương là một chỉnh thể nghệ thuật, nghĩa là một thế giới hình tượng bao gồm nhiều yếu tố, nhưng tất cả đều quan hệ với nhau, tạo cho tác phẩm tính chỉnh thể sống động và thống nhất. Ba bước này gọi tên theo ước lệ là tổng-phân-hợp. Tóm lại, đọc xong bài viết này cần nhớ một số “mẹo” nhỏ để học tốt môn văn như sau:

  • Đọc văn bản, soạn bài trước lúc đến lớp
  • Chú ý nghe giảng, phân tích bài văn
  • Tìm hiểu những bài bình luận về tác phẩm
  • Nên có một cuốn sổ tay để tích lũy “vốn” văn: những câu nói, danh ngôn hay,…
  • Đọc truyện ngắn, tiểu thuyết cũng giúp trường liên tưởng của bạn phong phú từ đó cảm nhận văn học tốt hơn, viết văn sâu sắc hơn.

Hy vọng qua những chia sẻ của Cao đẳng Dược TPHCM trên, các em học sinh nói chung, teen 2001 nói riêng có thêm niềm hy vọng, động lực để chinh phục môn học "khó nhằn" này.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.