Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019 có gì thay đổi?

 15/08/2024 09:15 |  3705 lượt xem |  Chuyên mục: Kỳ Thi THPT Quốc gia |  Ngọc Anh

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ không để phục vụ mục đích “2 trong 1” do đó cấu trúc đề thi sẽ có nhiều thay đổi theo hướng bám sát chương trình phổ thông để đánh giá thực chất chất lượng dạy học THPT.

Thay vì tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học riêng biệt thì từ năm 2015, Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai áp dụng kỳ thi “2 chung”, kết quả thi vừa để  xét, cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Tên gọi của kỳ thi này là kỳ thi THPT Quốc gia. Trải qua 3 năm, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, cấu trúc đề thi vẫn giữ ổn định (có kiến thức lớp 11 và lớp 12, có sự phân hóa, đề thi trắc nghiệm,…) chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đề thi THPT quốc gia năm 2018 thực sự khó, ngoài khả năng của các em, thậm chí cả những giáo viên, giáo sư cũng không thể hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian quy định. Đề thi quá khó dẫn đến những thí sinh không có nguyện vọng học Đại học không thể đạt điểm tốt nghiệp cao. Chưa kể, một số môn chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm đột ngột khiến giáo viên, học sinh chưa quen dẫn đến kết quả thấp,…Tất cả những điều này được gói gọn trong bức tâm thư “kêu cứu” vì đề thi THPT quốc gia quá khó gửi Bộ GD đầy thuyết phục. Ai cũng kỳ vọng những nhà lãnh đạo ngành giáo dục hiểu được nỗi lòng của thí sinh mà điều chỉnh đề thi cho phù hợp, đúng bản chất của thi tốt nghiệp.

Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019 sẽ thay đổi như thế nào?

Đề thi THPT quốc gia 2019 bám sát chương trình phổ thông

Phát biểu tại phiên giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức kỳ thi THPTQG tại Hà Nội vào ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bất ngờ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia không để phục vụ mục tiêu “2 in 1” mà là để đánh giá chất lượng dạy học, từ đó có biện pháp điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Vì vậy, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ sẽ hoàn chỉnh đề thi, tập trung hơn vào chất lượng câu hỏi chuẩn hóa, bám sát kiến thức THPT, cải thiện chất lượng cũng như tổ chức kỳ thi chặt chẽ hơn để các trường ĐH, CĐ có căn cứ để chọn lọc đầu vào.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích thêm, yêu cầu về kiến thức đạt được phải gắn với THPT nghĩa là làm sao để ra đề thi sát với chương trình phổ thông, không có quá nhiều câu hỏi khó. Bên cạnh đó, phải tổ chức kỳ thi công khai, minh bạch, đúng thực chất, để các trường đại học, cao đẳng có thể có thêm một căn cứ tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường nên có nhiều hình thức tuyển đầu vào khác nhau chứ không chỉ coi kết quả của kỳ thi này là phương thức tuyển sinh duy nhất.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một lần nữa “kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2019 sẽ không phải để phục vụ cho 2 mục đích cùng lúc , mà phục vụ cho tốt nghiệp THPT”. Có nghĩa là tổ chức kỳ thi chủ yếu để đánh giá học sinh THPT, xét tốt nghiệp và phải làm thật nghiêm túc để kết quả đó có thể dùng để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng.

đề thi THPT quốc gia 2019 dự kiến

Cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2019 dự kiến không có độ phân hóa cao như năm nay

Theo Bộ trưởng Nhạ, bệnh thành tích trong giáo dục sẽ tiếp tục kéo dài, gian lận trong thi cử tiếp tục diễn ra với những hình thức càng tinh vi nếu không quản lý tốt về mặt chất lượng. Nếu giao cho địa phương tổ chức thi thì có lẽ tỷ lệ đạt tốt nghiệp sẽ lên đến 100%. Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia là điều cần thiết, hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại, ít nhất sẽ kéo dài đến năm 2021. Bộ cũng chú trọng hoàn thiện từng bước để tiến tới xét tốt nghiệp qua đánh giá học bạ lớp 12. Còn hiện tại vẫn duy trì kỳ thi, cải tiến một số khâu, nhất là khâu ra đề thi, làm sao để học sinh học gì thi nấy chứ không phải thi gì học nấy.

Vị lãnh đạo ngành Giáo dục cũng cho rằng đổi mới là một quá trình chứ không phải trong một thời gian ngắn. Chúng ta buộc phải tiến hành thử nghiệm, rút kinh nghiệm, khắc phục những điều còn thiếu sót để năm sau hoàn thiện hơn. Bởi lý thuyết và thực tiễn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, lý thuyết là cơ sở để vận dụng, áp dụng vào thực tiễn còn những bài học từ thực tiễn sẽ quay lại phục vụ cho lý thuyết. Kỳ thi THPT QG là cả một quá trình cải tiến, không phải mỗi năm một kiểu thi khác nhau. Chúng ta cũng nhận thấy rằng trong 3 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể. Ví dụ: năm học 2016 – 2017, nhiều thí sinh 30 điểm vẫn nơm nớp nỗi lo trượt đại học do chính sách cộng điểm ưu tiên không hợp lý thì năm nay đã rút được kinh nghiệm. Năm 2017 có những “cơn mưa điểm 10” thì năm nay đã không còn chuyện đó. Tóm lại, chúng ta cần thời gian để hoàn thiện.

Như vậy, các thí sinh sinh năm 2001 có thể yên tâm hơn vì đề thi năm nay sẽ bám sát với chương trình phổ thông, không còn những câu hỏi quá khó. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa cho biết cấu trúc gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức cơ bản, bao nhiêu phần trăm kiến thức nâng cao, phần kiến thức lớp 11 chiếm tỷ lệ bao nhiêu,...nhưng chắc chắn kỳ thi được tổ chức nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, các em cần lên kế hoạch học tập, ôn thi tích cực để đạt kết quả tốt.

Cao đẳng Dược TPHCM tổng hợp

 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y KHOA PHẠM NGỌC THẠCH

 Địa chỉ: Số 127/3/5 Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Điện thoại / Zalo / Line: 0899 955 990 - 0969 955 990

- Website:  caodangduoctphcm.org.vn

- Facebook: www.facebook.com/TruongCaoDangYKhoaPhamNgocThachTPHCM

Website chính thức của Trường cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch, mọi thông tin sao chép cần được đồng ý bằng văn bản.